Đ/c Huỳnh Thị Hằng- PBT Thường trực Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo
Bình Phước được lập từ năm 1997, là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, có 258,939 km đường biên giới tiếp giáp với 03 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Diện tích tự nhiên 6.876,76 km2, dân số trên 01 triệu người, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 111 đơn vị hành chính cấp xã, có 19 đảng bộ trực thuộc; 738 tổ chức cơ sở đảng, 2.391 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; với 39.608 đảng viên. Sau hơn 27 năm từ ngày tái lập đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Bình Phước đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao, quốc phòng - an ninh ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị vững mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Trong những năm qua, thực hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ nữ, Tỉnh ủy Bình Phước đã quán triệt, triển khai có hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ đó, công tác cán bộ nữ ở tỉnh Bình Phước trong những năm gần đây đạt nhiều thành tựu quan trọng. Việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được cấp ủy, người đứng đầu quan tâm chú trọng. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng ngày càng tăng, cấp tỉnh hiện nay số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 48 đồng chí, trong đó nữ 14 đồng chí. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 15 đồng chí, trong đó nữ 5 đồng chí. Cấp ủy cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025, nữ có 109 đồng chí, chiếm 16,93%; ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương, nữ có 25 đồng chí, chiếm 13,29%. Cấp ủy cơ sở, nữ có 794 đồng chí, chiếm 21,93%.
Toàn cảnh hội thảo
GS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá cao những thành tựu đạt được trong công tác cán bộ nữ của tỉnh Bình Phước. Từ đó khẳng định quyết tâm chính trị cao của Tỉnh ủy, của hệ thống chính trị về vị trí, vai trò cán bộ nữ và sự nỗ lực, khát vọng, khẳng định của chị em cán bộ nữ tỉnh Bình Phước. Giáo sư đã nhấn mạnh Bình Phước là điểm sáng về công tác cán bộ nữ trong cả nước, là nơi đáng để các địa phương học tập kinh nghiệm về triển khai chủ trương, nghị quyết về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận hội thảo
Đồng thời, Giáo sư cũng cho rằng hội thảo nhằm góp phần tham mưu tư vấn cho Đảng và Nhà nước Việt Nam các sáng kiến và giải pháp thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị mà các nghị quyết của Đảng và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đề ra.
Phiên thảo luận bàn tròn
Tại hội thảo, đã có nhiều ý kiến, tập trung thảo luận sôi nổi, phân tích làm rõ những kết quả đạt được trong việc triển khai các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ trong cấp ủy đảng các cấp trên địa bàn tỉnh; thuận lợi và khó khăn của việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ trong điều kiện thực tế tại Bình Phước. Đồng thời làm rõ các yếu tố tác động và các rào cản trong công tác phát triển cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý, tham gia cấp ủy đảng các cấp.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hạnh
Ý kiến bạn đọc