Các đồng chí: Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước; Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương; Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Sông Bé (cũ), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về dự.
Nhiều thành tựu quan trọng
Báo cáo tóm tắt những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh giai đoạn 1997-2017, đồng chí Nguyễn Quang Toản, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Là tỉnh miền núi, những năm đầu tái lập, tình hình kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là sự hỗ trợ của các tỉnh, thành trong khu vực, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước đã không ngừng phấn đấu và đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể, thu ngân sách năm 2016 ước đạt 4.150 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 tỷ đồng/năm, tăng hơn 16 lần. Đến năm 2016, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1.351 triệu USD, tăng gần 42 lần so với năm 1997. Từ chỗ không có khu, cụm công nghiệp nào, đến nay tỉnh đã có 13 khu công nghiệp, thu hút 167 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD. Đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký gần 37 ngàn tỷ đồng. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp được tỉnh quan tâm, ưu tiên phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, điều, tiêu. Các sản phẩm chủ lực này đã khẳng định chất lượng và chiếm vị trí hàng đầu trên thị trường trong, ngoài nước. Hạ tầng giao thông đã có sự phát triển mạnh mẽ với 500 tuyến đường, dài hơn 8.000km, trong đó quốc lộ 14, 13 nhựa hóa 100%; đường tỉnh nhựa hóa gần 99%.
Đông đảo đại biểu về dự buổi họp mặt đầy nghĩa tình
Những ngày đầu tái lập, Bình Phước được coi là “vùng trũng” về giáo dục - đào tạo; cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu và yếu. Đến nay, giáo dục - đào tạo phát triển mạnh mẽ, chất lượng nâng lên rõ rệt. Mạng lưới trường lớp được quy hoạch và phát triển tập trung, phủ kín. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 21,86%. Nổi bật là Trường THPT chuyên Quang Trung, nhiều năm liền được xếp vào tốp đầu các trường THPT trong cả nước có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Lĩnh vực y tế, văn hóa, thể dục - thể thao phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Quốc phòng - an ninh, đối ngoại luôn ổn định, củng cố và tăng cường.
Qua gần 20 năm thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Bình Phước đã xây mới 6.238 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá 75 tỷ đồng; hỗ trợ vốn sản xuất 14,7 tỷ đồng; khám, chữa bệnh với số tiền 1,8 tỷ đồng... Đặc biệt, từ cuộc vận động “Nghĩa tình Sông Bé yêu thương” năm 2010 do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chủ trì phát động, đến nay đã vận động được trên 100 tỷ đồng, sử dụng trồng gần 2.000 ha cao su làm Quỹ an sinh xã hội”. Đến nay Quỹ an sinh xã hội tỉnh Bình Phước đã phát triển lên gần 4.000 ha cao su.
Từ các hoạt động hiệu quả, thiết thực, đến cuối năm 2016, Bình Phước còn 4.637 hộ nghèo, chiếm 1,95% (tiêu chuẩn cũ), giảm 15,87% so với năm 1997.
Phát biểu tại buổi họp mặt, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: Những năm sau ngày tái lập, Bình Phước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, Bình Phước ngày càng phát triển đi lên. Thành quả đạt được đó có sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực. Tuy nhiên, Bình Phước hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, nguyên Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tập trung chăm lo cho người nghèo, trước hết là chăm lo xây dựng nhà ở, sau đó là ổn định phát triển sản xuất. |
Hơn 69 tỷ đồng ủng hộ người nghèo
Tại buổi họp mặt, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh được hơn 69 tỷ đồng. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh ủng hộ 20 tỷ đồng và tài trợ 80 tỷ đồng cho huyện Bù Gia Mập xây Trường THPT Bù Gia Mập; tỉnh Bình Dương 10 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai 10 tỷ đồng; ông Phạm Nhật Vũ và Công ty cổ phần doanh nghiệp xã hội An Viên 10 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Him Lam (Liên Việt Bank) 5 tỷ đồng...
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có nhiều
thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội của tỉnh Bình Phước thời gian qua
Phát biểu tại buổi họp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã ghi nhận sự chung tay, hỗ trợ, đóng góp của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh thành bạn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với tỉnh Bình Phước trong suốt 20 năm qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, thành quả 20 năm qua của Bình Phước là rất đáng tự hào, tuy nhiên chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, khó khăn phải vượt qua. Bên cạnh sự nỗ lực hết mình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà, Bình Phước rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chia sẻ, động viên, khích lệ của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh thành bạn, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cam kết sẽ quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ đúng mục đích và phát huy hiệu quả cao nhất.
Dịp này, 10 tập thể và 15 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội của tỉnh Bình Phước trong thời gian qua.