Chủ động, quyết liệt, đồng bộ thực hiện các giải pháp trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Thứ bảy - 04/12/2021 22:57 1.017 0
Với quyết tâm “chống dịch như chống giặc” và để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-8-2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch Covid-19. Nghị quyết là “kết tinh trí tuệ”, mang tính kịp thời và tinh thần chủ động của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 
Sau hơn một năm vững vàng trước đại dịch, ngày 30-6, Bình Phước ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên. Với tinh thần không ai đứng ngoài cuộc, không một phút giây được lơ là, chủ quan, cả hệ thống chính trị và toàn dân Bình Phước đã vào cuộc với quyết tâm sớm chiến thắng, đẩy lùi đại dịch.

Từ đây, công tác phòng, chống dịch của tỉnh bước vào một giai đoạn mới, với một chiến lược mới. Chiến lược kết hợp giữa phòng thủ với tấn công trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trên tuyến biên giới duy trì 65 chốt và 11 tổ cơ động tuần tra; ở các cửa ngõ, các địa phương giáp ranh với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đắc Nông, duy trì 41 chốt kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh (05 chốt cấp tỉnh, 13 chốt cấp huyện, 23 chốt cấp xã). Công tác điều tra, rà soát, kiểm soát người đến/về các địa phương trên địa bàn tỉnh từ vùng có dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, những người có nguy cơ nhiễm bệnh để thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị, theo dõi, giám sát sức khỏe phù hợp. Đồng thời, rà soát, phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép về cư trú trên địa bàn tỉnh để áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp và xử lý theo quy định. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng được huy động lên tiền tuyến chống dịch. Không kể ngày nghỉ, lễ, tết, mưa nắng, đêm ngày, các lực lượng sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng, công việc gia đình bám chốt làm nhiệm vụ với mục tiêu không để bất cứ ai, phương tiện nào vào tỉnh mà không được kiểm soát.


Khi dịch bùng phát, tỉnh đã thực hiện phương châm: kiên quyết khóa chặt từ bên ngoài, kiểm soát tốt bên trong, khi xuất hiện ca nhiễm thì khoanh vùng chặt, truy vết nhanh, cách ly kịp thời. Chính sự chủ động, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch, nhất là việc tận dụng triệt để “thời gian vàng” thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp Bình Phước kiểm soát tốt dịch bệnh, hạn chế các ca lây nhiễm trong cộng đồng và trong các khu công nghiệp, chuỗi cung ứng hàng hóa, chợ, siêu thị, trường học…
 
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bình Phước năm 2021
 
Thành quả ban đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay của Bình Phước đến từ những quyết định kịp thời, sáng suốt của các cấp lãnh đạo với nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trong đó, mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân được đặt lên trên hết và trước hết. Đồng thời, nhất quán quan điểm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. 

Hơn lúc nào hết, thực tiễn phòng chống dịch đòi hỏi vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cần phải được hiện diện rõ nét. Cũng từ yêu cầu của thực tiễn, một nghị quyết đặc biệt, chưa có trong tiền lệ của tỉnh Bình Phước đã ra đời - Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5/8/2021 về sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Nghị quyết là “kết tinh trí tuệ” của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết đặt mục tiêu bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Công tác phòng, chống dịch luôn trong tư thế chủ động đi trước một bước, cao hơn một mức và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch…Nghị quyết 05-NQ/TU xác định, phải bảo đảm sẵn sàng cả về tinh thần và vật chất để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến. Huy động rộng rãi các lực lượng: y tế, vũ trang, xung kích tình nguyện và quần chúng nhân dân để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài, toàn dân chống dịch. Đồng thời triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều “mặt trận”, từ kiểm soát lây nhiễm bên ngoài, bên trong cộng đồng, đến điều trị bệnh nhân Covid-19, tiêm vắc xin và tranh thủ phát triển sản xuất tại những nơi, những vùng đã kiểm soát tốt về dịch bệnh.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU để chủ động điều hành phát triển kinh tế - xã hội với 3 kịch bản ứng phó cụ thể (kịch bản 1: số ca bệnh đến dưới 1.000 ca; kịch bản 2: số ca bệnh từ 1.000 đến 5.000 ca; kịch bản 3: trên 5.000 ca).

Cùng với việc đưa ra các kịch bản, kế hoạch ứng phó với đại dịch thì xuyên suốt và nhất quán trong Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã thành lập 908 tổ, đội, nhóm phản ứng nhanh, tổ Covid cộng đồng với 1.720 thành viên; 428 tổ truy vết, tổ tuyên truyền với 1.023 thành viên tham gia; thành lập lực lượng xung kích, gồm 4.875 đồng chí. (Trong đó: Lực lượng khối tỉnh: 802 đồng chí và Lực lượng khối huyện: 4073 đồng chí) lực lượng tình nguyện 11.549 đồng chí sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng chống dịch; tham gia tổ kiểm tra công tác phòng chống dịch; tham gia tổ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm; tham gia vào các lực lượng hoặc các hoạt động khác...
 
Công tác điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng được các địa phương trong tỉnh triển khai hiệu quả
 
Các tổ, nhóm thực sự đã phát huy vai trò là “tai”, là “mắt”, là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thành viên tình nguyện của các tổ, nhóm covid cộng đồng đã hỗ trợ đắc lực chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trong tuyên truyền, giám sát, cũng như điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch. Không chỉ trực tiếp tham gia vào các điểm nóng trên tuyến đầu chống dịch, lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên và các hội đoàn thể địa phương còn có những việc làm ý nghĩa, thiết thực thông qua mô hình “Shipper 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, chuyến xe nghĩa tình, đi chợ giúp...

Với tinh thần ai có gì góp đó, vùng dịch ít hỗ trợ vùng dịch nhiều, ngoài hỗ trợ nhân dân trong tỉnh vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, các tầng lớp nhân dân ở Bình Phước còn góp sức người, sức của hỗ trợ nhân dân các vùng tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu, thiết bị y tế. Đã có hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế ở Bình Phước tiên phong vào tâm dịch các tỉnh, thành phía Nam hỗ trợ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tỉnh đến ngày 13/11/2021 đã tiếp nhận đăng ký ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 45 đồng; Quỹ ủng hộ vaccin 4.3 tỷ đồng. Đăng ký ủng hộ phòng chống Covid-19 và xây dựng các chốt phòng chống dịch với số tiền 2.1 tỷ đồng.
 
Đồng chí Hà Anh Dũng – UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm chốt phòng, chống dịch tại thị xã Bình Long

Các chính sách an sinh xã hội được tỉnh quan tâm chăm lo, tính đến tháng 10/2021 tỉnh đã phê duyệt, hỗ trợ cho gần 78.000 đối tượng theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 128 của Chính phủ với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng; cấp phát 559.740 kg gạo từ nguồn cứu trợ Trung ương cho người dân. Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách riêng hỗ trợ cho 9.300 đối tượng khó khăn do dịch bệnh hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai với tổng số tiền gần 6,7 tỷ đồng.

Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Bình Phước cũng như các tỉnh, thành trong khu vực quyết định “mở cửa”, chuyển sang trạng thái “sống chung an toàn với Covid-19”. Thế nhưng, sống chung không có nghĩa là buông lỏng. Mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch toàn cầu vẫn là trên hết, trước hết. Không một phút lơi là, chủ quan, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Bình Phước đã chuyển sang một kịch bản mới - xác định chung sống an toàn với đại dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trên tinh thần “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm, làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.

Không chờ “hậu covid” mới phát triển, mọi hoạt động điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước vẫn diễn ra trong điều kiện dịch bệnh. Công nghệ số, chuyển đổi số có cơ hội phát triển. Bình Phước tranh thủ việc xây dựng Quy hoạch phát triển tỉnh, hoàn thành và triển khai nghị quyết về tầm nhìn chiến lược phát triển tỉnh, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.  

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây