Là đại biểu thứ hai chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng, với thực trạng và yêu cầu thực tiễn thì việc đào tạo sau đại học ở nước ta trong nhiều năm gần đây còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với chất lượng đặt ra về đào tạo sau đại học cũng như yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đã nêu ra một thực tế là đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số trong cơ cấu trí thức ngày càng đông đảo với nhiều thành phần hơn và sự tiếp cận với giáo dục - đào tạo chuyên môn nghiệp vụ trình độ cao ngày một gia tăng. Chỉ riêng năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã phong tặng 6 phó giáo sư là người dân tộc thiểu số. Kết quả là vậy, song chính sách cho đội ngũ này đang có vấn đề, nhất là đối với các trường hợp không thuộc diện cử tuyển.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số nói riêng”?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chương trình, nội dung đến điều kiện vật chất, giáo viên, tài chính trong nội bộ trường đại học; ngoài ra còn yếu tố khác như môi trường kinh tế - xã hội khách quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Chất lượng đào tạo của chúng ta đã được cải thiện. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ không đáp ứng được yêu cầu chất lượng. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các quy chế, quy định, quy chuẩn đảm bảo chất lượng đầu ra nhân lực. Dù vậy, hệ thống quản lý chất lượng bằng văn bản còn thiếu và chưa đồng bộ; trách nhiệm trong khâu giám sát, chế tài cũng còn hạn chế. Trong quá trình đào tạo, gắn với đào tạo dân tộc có hai luồng ý kiến. Một là các cháu vào rồi ưu tiên, du di để các cháu ra trường; hai là thắt chặt, siết chặt đào tạo để các cháu ra trường phải có chất lượng. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ theo hướng thứ hai và có lộ trình siết chặt chất lượng”.
Về chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm bồi dưỡng bằng việc xây dựng hệ thống trường bán trú, nội trú. Tuy nhiên, quá trình xét đầu vào, thi tuyển chưa chặt chẽ, dẫn đến các cháu vào học rồi tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khi cử tuyển, chúng ta không chú ý đến định hướng nghề nghiệp, chỉ quan tâm các cháu học tốt, gia đình khó khăn thì chọn nhưng không quan tâm yêu cầu, nhu cầu nhân lực của địa phương sau khi ra trường, sắp tới sẽ rà soát để cử tuyển gắn với yêu cầu và thực tiễn địa phương.
Cơ bản đồng tình một số nội dung trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, song đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị bộ trưởng trả lời rõ hơn về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số có chất lượng cao không thuộc diện cử tuyển, như tự thi vào đại học và sau đại học. Vì thực tế việc đãi ngộ, sử dụng nhân tài còn tản mạn, thậm chí lạc hậu. Đại biểu đề nghị bộ trưởng có giải pháp thời gian tới vì đây là nguồn lực rất quan trọng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc kỹ hơn với Bộ Nội vụ và Ủy ban Dân tộc để có chính sách cụ thể đối với nhóm đối tượng này. Bộ GD-ĐT sẽ đề nghị các trường miễn học phí cũng như ưu tiên hỗ trợ học bổng. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định dù tài chính khó khăn nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên đối với khu vực này vì rất cần, rất quan trọng, sau này quay về phục vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong phiên chất vấn, đại biểu Phan Viết Lượng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước cũng đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về trách nhiệm và nguyên nhân của tình trạng nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng; chương trình đào tạo chưa gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động, dẫn đến cả nước có 191.300 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, gây lãng phí rất lớn cho xã hội và gia đình; giải pháp của bộ trưởng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Nghị quyết số 29, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra.