Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nêu ra thực trạng đầu tư cho đường sắt thời gian qua còn hạn chế, chưa đúng tầm với hội nhập; đồng thời đất dành cho ngành đường sắt nhiều song quản lý khai thác không hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ hành khách. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, Luật Đường sắt lần này tuy có đề cập đến việc xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, kinh doanh, dịch vụ đường sắt để giảm sự đầu tư của Nhà nước, song các quy định trong luật còn nhiều rào cản, khó thu hút sự đầu tư ngoài Nhà nước.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đóng góp ý kiến Luật Đường sắt (sửa đổi)
Nhấn mạnh vận tải đường sắt có vai trò quan trọng trong ngành giao thông vận tải cũng như nền kinh tế đất nước, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị luật cần quy định rõ và đầy đủ hơn theo hướng ưu tiên phát triển của ngành đường sắt, nhất là công tác đầu tư để đưa vận tải đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp đường sắt để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, nhanh chóng của người dân.
Hiện ngành đường sắt Việt Nam đang quản lý và khai thác sử dụng 1.020 toa xe khách các loại, trong đó chỉ có khoảng 80 toa xe được lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh tự hoại. Do đó, vấn đề vệ sinh môi trường rất đáng báo động. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị luật cần có các quy định nhằm xử lý, khắc phục vấn nạn này. Ngoài ra, giá dịch vụ vận tải đường sắt ngày càng kém hấp dẫn so với các loại hình vận tải khác. Vì vậy, luật sửa đổi phải tạo hành lang pháp lý, góp phần định hướng lâu dài trong phát triển ngành.
Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều. Luật quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.