Dù là lần thứ hai đưa ra thảo luận trong kỳ họp này, song Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) vẫn thu hút sự quan tâm, cho ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội bởi ngành đường sắt có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, dù vận tải đường sắt là loại hình giao thông an toàn nhất hiện nay, nhưng nghịch lý là kinh phí đầu tư cho giao thông đường sắt ít so với đường bộ, đường hàng không, đường thủy. Điều này dẫn đến hành khách chọn loại hình đường sắt chỉ 0,4%, với khoảng 11 triệu lượt hành khách/năm, vận chuyển hàng hóa 0,7%.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, nguyên nhân chính là thiếu sự đầu tư, công nghệ lạc hậu và chất lượng kém, dù ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam tuy ra đời rất sớm. Đa số các phương tiện chủ yếu là nhập khẩu, chi phí lớn, hiệu quả kinh tế thấp. Chính những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, cả vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đường sắt lần này rất cần thiết.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại Hội trường Diên Hồng sáng 18-11
Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm phải áp dụng cơ chế chuyển phí, sang giá đối với kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, phải có chính sách ưu tiên đủ mạnh để phát triển công nghiệp đường sắt và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển giao thông đường sắt, tuy nhiên, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, một số điều, đặc biệt là Điều 5 chưa được thể hiện và quy định rõ nét để có thể thực hiện tốt nội dung này. Đại biểu đề nghị, vấn đề giá phải được thực hiện ưu tiên hợp lý trong luật để có thể cạnh tranh được với các loại hình giao thông khác.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đưa ra dẫn chứng là ở các tỉnh phía Nam, việc đầu tư cho các ngành đường sắt rất ít, kết nối để vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên gần như không có. Do vậy, lần này sửa đổi luật có sự triển khai thực hiện đồng bộ hơn trong việc phát triển công nghiệp đường sắt cũng như xã hội hóa về đường sắt.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, phải quy hoạch lại giao thông đường sắt, khai thác có hiệu quả đất đai dành cho đường sắt. Thực tế hiện nay, đất dành cho đường sắt hơn 6.000 ha nhưng 90% là đầu tư cho kết cấu hạ tầng, chỉ 0,16% là dành cho liên kết xây dựng các trung tâm thương mại. Điều này là bất cập và gây lãng phí. Do vậy, để khai thác sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt, cần có những chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào những công trình phục vụ khách hàng tại các nhà ga, điểm dừng chân của tuyến đường sắt đi qua nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, để đầu tư, duy tu, sửa chữa, cũng như phát triển công nghiệp đường sắt. Hiện tại, cả nước có hơn 271 ga lớn nhỏ nhưng chỉ có một số nhà ga trung tâm thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… mới được đầu tư khang trang. Còn các ga ở các địa phương, tỉnh gần như không được đầu tư và hoạt động kém hiệu quả.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng đề nghị luật quy định rõ hơn, ràng buộc hơn về vệ sinh môi trường trong hoạt động đường sắt, bởi đây là vấn đề gây bức xúc trong thời gian qua. Các quy định trong luật chỉ nêu chung chung nội dung quản lý hoạt động đường sắt, ngoài ra không có quy định nào khác được thể hiện trong luật nhằm tăng cường quản lý lĩnh vực này. “Ai sẽ kiểm soát và quản lý, xử lý vấn đề này và chất lượng dịch vụ vệ sinh, sinh hoạt ăn uống trên các chuyến tàu nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng”. Tất cả phải được luật hóa, đại biểu Hạnh đặt vấn đề với ban soạn thảo.
Dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều. Luật quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đường sắt; quy tắc, tín hiệu giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt.