Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 46 của Ban Bí thư trên lĩnh vực văn hóa
Hoàng Lan
2016-08-15T05:22:53-04:00
2016-08-15T05:22:53-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/Van-hoa-Xa-hoi/Day-manh-thuc-hien-Chi-thi-46-cua-Ban-Bi-thu-tren-linh-vuc-van-hoa-834.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ hai - 15/08/2016 05:22
Để thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư và Chỉ thị 40- CT/TU ngày 09/9/2010 của Tỉnh ủy “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội”, ngày 07/01/2011, Thị ủy Bình Long ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thị xã phát triển.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại luôn được Thị ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện. Nội dung tuyên truyền có nhiều đổi mới và đa dạng hình thức. Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; phản ánh, giới thiệu những điển hình tốt, gương tiêu biểu của tập thể và cá nhân trong việc giữ gìn thuần phong mỹ tục, đạo đức, đời sống văn hóa lành mạnh, xây dựng gia đình văn hóa. Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng văn hóa được nâng lên, góp phần phòng chống, đẩy lùi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn.
Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa được quan tâm. Các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Đội kiểm tra liên ngành kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin. Từ năm 2010-2016, Đội kiểm tra liên ngành VH-XH Thị xã Bình Long kiểm tra 62 đợt với 45 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý vi phạm với tổng số tiền 67 triệu, tiêu hủy 140.300 đĩa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và có tác dụng thiết thực. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa tăng từng năm, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa cho cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh thiếu niên, học sinh được thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thị xã đã niêm yết công khai và tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức, đã tạo chuyển biến tốt trong quan hệ giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với đồng chí, đồng nghiệp và Nhân dân.
Với phương châm “lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn là chính”, ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện tốt việc lồng ghép một số nội dung phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, gắn công tác giáo dục bài trừ văn hóa phẩm độc hại với tổ chức các hoạt động ngoại khóa về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, lối sống, những thuần phong, mỹ tục của con người và đất nước Việt Nam. Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thanh thiếu niên về phẩm chất đạo đức, kỹ năng sống và kiến thức pháp luật; thành lập các câu lạc bộ, đội nhóm để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên. Hội Cựu chiến binh phối hợp với Đoàn thanh niên và các trường học duy trì hoạt động "Ông kể cháu nghe”, qua đó giáo dục về truyền thống lịch sử cách mạng của thế hệ cha anh, củng cố tăng cường tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Để thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư đạt hiệu quả hơn nữa, Thị ủy Bình Long đã đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại nhằm ngăn chặn tác động xấu đến đời sống xã hội. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức tốt các phong trào thi đua sáng tác, giới thiệu, tìm hiểu các tác phẩm văn học, nghệ thuật có tính thẩm mỹ và gần gũi với đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân. Tăng cường đầu tư, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của Thư viện thị xã, các trường học và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ đội, nhóm văn nghệ, thể dục thể thao, đảm bảo có sức hấp dẫn, thu hút thanh, thiếu niên, học sinh tham gia. Quản lý tốt các hoạt động văn hóa, nhất là các loại hình dịch vụ văn hóa, bảo đảm phát triển lành mạnh, đúng quy định. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa...