Trong 10 năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bồi dưỡng, tập huấn về công tác gia đình cho hơn 16.800 lượt cán bộ ở thôn, ấp, khu phố; hơn 1.300 lượt cán bộ các ngành cấp xã; in ấn, nhân bản và phát hành 80.000 tờ rơi, 75.000 sách mỏng, 1.650 áp phích, 350 băng cassette tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, các kiến thức cơ bản về gia đình, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, bình đẳng giới và cách phòng, chống bạo lực gia đình.
Các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới công tác gia đình, những kiến thức về xây dựng gia đình hạnh phúc thông qua các hoạt động tuyên truyền chiều sâu như: sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hội viên, tư vấn… và các hoạt động tuyên truyền bề nổi như: tổ chức các hội thi “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, “Gia đình với trẻ em”, “Nấu ăn gia đình”.
Hội nghị nhân dân bàn về công tác gia đình được tổ chức thường xuyên để người dân có cơ hội bày tỏ suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của mình đối với chính quyền và các ngành về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức được 180 hội nghị tại 180 thôn, ấp, khu phố, thu hút trên 9.000 lượt người là đại diện các gia đình tham dự.
Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình được triển khai, toàn tỉnh có 60 xã thực hiện với 281 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 70 Câu lạc bộ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và 281 Nhóm xung kích Phòng, chống bạo lực gia đình.
Tại các thôn, ấp, khu phố thuộc 111 xã, phường, thị trấn của tỉnh, đã thành lập 409 địa chỉ tin cậy và 378 cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình. Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban điều hành thôn, ấp, khu phố thiết lập đường dây nóng bằng cách công bố số điện thoại của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình để nhân dân tại địa bàn biết.
Với nhiều hoạt động được triển khai đồng bộ đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của nhân dân về công tác gia đình. Nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình được xóa bỏ. Quy mô gia đình từ một đến hai con được cộng đồng dân cư chấp hành tốt, góp phần xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tỷ lệ tảo hôn giảm mạnh, từ 4,2% năm 2005 giảm còn 0,2% năm 2015. Tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng giảm, từ 906 vụ năm 2009 giảm còn 447 vụ năm 2015. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng dần và ổn định ở mức cao, từ năm 2010 đến nay đều duy trì trên 91%.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu ở thôn 4, xã Đoàn Kết 3 năm liền được tuyên dương (nguồn: Báo Bình Phước online)
Tuy nhiên, công tác gia đình vẫn còn những hạn chế như: một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác gia đình; nội dung tuyên truyền về công tác gia đình có đổi mới nhưng chưa thật sự hiệu quả, chủ yếu lồng ghép với phong trào xây dựng khu dân cư văn hoá, gia đình văn hoá; việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình chưa nghiêm (vẫn còn tình trạng tảo hôn, vi phạm chế độ một vợ, một chồng); Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã phần nào đi vào cuộc sống nhưng việc áp dụng vào thực tế còn nhiều bất cập; việc phát hiện, thống kê, báo cáo về bạo lực gia đình khó khăn và không đầy đủ nên chưa xử lý kịp thời.