Điển hình là sự kiện 120 công nhân nổi dậy chém giết tên chánh giám thị Monteil tháng 10/1927. Tiếp theo là cuộc kiện ra tòa tên Valentin - một giám thị người Pháp - kiếm chuyện đánh chết anh Nguyễn Văn Chánh là một cai làng có tinh thần giúp đõ, che chở cho công nhân. Những cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Đông Nam Kỳ nói chung và Phú Riềng nói riêng trong những năm 20 của thế kỷ 20 tuy thất bại nhưng đã giúp họ ngày càng nâng cao nhận thức về kẻ thù, về ý thức giai cấp và dân tộc, đặt cơ sở cho sự ra đời của một tổ chức cách mạng trên mảnh đất cách mạng này.
Tượng đài Phú Riềng Đỏ - di tích lịch sử, văn hóa quốc gia tại xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước
Thực hiện chủ trương "vô sản hóa" của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp là đồng chí Ngô Gia Tự, đồn điền Phú Riềng được chọn làm một trong 3 trọng điểm để xây dựng cơ sở Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nam Kỳ (cùng với xưởng Ba Sơn ở Sài Gòn và Vĩnh Kim ở Mỹ Tho). Đồng chí Nguyễn Xuân Cừ quê ở Bắc Ninh, là học sinh trường Bưởi Hà Nội, có bằng tú tài, sớm giác ngộ cách mạng, được cử đến "vô sản hóa" ở đồn điền cao su Phú Riềng đầu năm 1928. Người đầu tiên anh tìm bắt liên lạc là anh Trần Tử Bình - công nhân làm việc ở trạm xá, người nổi tiếng trong các cuộc đấu tranh của công nhân cao su Phú Riềng trước đây.
Đồng chí Trần Tử Bình là một nhân tố tiến bộ dũng cảm, hạt nhân quy tụ khối đoàn kết trong công nhân, trong các cuộc đấu tranh của công nhân ngay những ngày đầu rời quê hương Lục Bình, Hà Nam vào Phú Riềng làm phu. Trong suốt quá trình từ năm 1927 đến khi đồng chí là Bí thư chi bộ thay đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của anh em công nhân cao su Phú Riềng nổ ra vào tháng 2/1930 làm chấn động dư luận cả nước Pháp.
Sau một thời gian tuyên truyền và phát triển hội, tháng 4/1928, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đồn điền Phú Riềng được thành lập trong công nhân và làm nòng cốt cho nhiều hoạt động đấu tranh do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư. Đây là tổ chức cách mạng có xu hướng cộng sản lãnh đạo phong trào công nhân đồn điền Phú Riềng. Đến ngày 28/10/1929, từ những thành viên nòng cốt này, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự - cán bộ gây dựng cơ sở của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ, một chi bộ Đông Dương Cộng sản đã ra đời, còn gọi là chi bộ Phú Riềng; một trong ba chi bộ đầu tiên của Đảng ở Nam Kỳ. Đây cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bình Phước và của ngành cao su Việt Nam.
Chi bộ Phú Riềng lúc đầu 6 đồng chí: Nguyễn Xuân Cừ (Bí thư), Trần Tử Bình, Phan Thu Hồng, Hòa, Tạ và Doanh. Nhưng quần chúng tích cực thì khá đông, nhất là cán bộ viên của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Vì vậy, sau khi chi bộ Đảng ra đời, đội xích vệ cũng được thành lập trong thanh niên công nhân do đồng chí Trần Tử Bình phụ trách. Một số tổ chức quần chúng khác như hội hương tế, hội cứu tế, hội thể thao, hội văn nghệ… cũng thu hút nhiều công nhân và nhân dân khu vực đồn điền. Trên cơ sở ấy, đến cuối năm 1929 tổ chức Công hội đỏ Phú Riềng cũng được ra đời, là một trong hai tổ chức Công hội đỏ duy nhất ở xứ ủy Nam Kỳ thuộc Đông Dương Cộng sản Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên trong phong trào công nhân cao su, vừa thành lập xong chi bộ cộng sản đã xây dựng ngay tổ chức công hội cho công nhân. Trên cơ sở tổ chức công hội đỏ, chi bộ mở rộng công tác phát triển Đảng. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 12 Cách mạng tháng Mười Nga, chi bộ kết nạp đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng là đảng viên mới. Từ đây, chi bộ đẩy mạnh hơn công việc đào tạo các "hạt giống đỏ" cho các đồn điền khác trong khu vực. Cuối năm 1929 đồng chí Nguyễn Xuân Cừ bị Pháp trục xuất, vì ghi vấn làm chính trị, đồng chí phải thôi việc về Sài Gòn hoạt động bí mật. Bí thư chi bộ giao lại cho đồng chí Trần Tử Bình thay thế và tiếp tục thực hiện công cuộc đấu tranh trong tình hình mới.
Sau những bước phát triển đột biến về tổ chức như vậy, những cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền miền Đông Nam bộ nói chung và Phú Riềng nói riêng đã nổ ra nhiều hơn và có hiệu quả hơn. Quy mô lớn nhất là cuộc tổng bãi công do đồng chí Trần Tử Bình - Bí thư chi bộ khởi xướng và lãnh đạo ở đồn điền Phú Riềng.
Ngày 3/2/1930, 5.000 công nhân thực hiện cuộc tổng bãi công với các khẩu hiệu: cấm đánh đập, chống cúp phạt, đòi miễn sưu thuế, trả lương cho công nhân bị tai nạn lao động, trả về quê cũ những người hết hạn giao kèo, trả tự do cho những người bị bắt… Ngay khi công nhân vừa tổ chức tổng bãi công, chủ đồn điền đã không chấp nhận yêu sách, lại cho binh lính ở đồn điền Phú Riềng kéo đến đàn áp, một công nhân bị đanh chết, một số bị bắt. Nhưng lần này công nhân đấu tranh có ý thức rằng, muốn đòi quyền lợi cho mình thì cũng phải có hành động bạo lực, với sức mạnh của công nhân 9 làng tham gia đấu tranh, với khẩu hiệu mới "chủ sở không chấp nhận, quyết không đi làm". Thấy thái độ và hành động kiên quyết của công nhân, bọn chủ đồn điền và một số lính Pháp ở địa phương đã hốt hoảng bỏ chạy. Bọn cai trốn tháo để tránh đòn trả thù của công nhân. Một số thì co lại chờ cứu viện chứ không giám hành động gì nữa. Trước sức mạnh của cuộc đấu tranh chủ đồn điền Soumagnec (Xu - ma - nhắc) phải chấp nhận giải quyết các yêu sách của công nhân bằng việc lập biên bản được ký kết giữa chủ và thợ, cam kết thực hiện những yêu sách của công nhân. Thừa thắng, ban chỉ đạo đấu tranh cử công nhân chiếm giữ kho tàng, lục soát giấy tờ và đốt hết các bản giao kèo, hợp đồng cưỡng bức lao động ngay tại sân chủ đồn điền. Một bộ phận công nhân khác đi chuyển kho lương thực đem cất giấu vào rừng. Khí thế cách mạng đang đầy lên, lôi kéo hết thảy công nhân các làng và cả dân chúng. Toàn bộ đồn điền Phú Riềng chuyển thành "khu đỏ" của công nhân dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng.
Trước tình hình này, Xứ ủy Nam Kỳ đã kịp thời chỉ đạo cho chi bộ Phú Riềng chuyển cuộc đấu tranh từ chỗ đã vượt ra ngoài khuôn khổ đấu tranh chính trị trở lại công khai hợp pháp. Chi bộ Phú Riềng đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh, tránh manh động nhưng vẫn duy trì được phong trào, bảo toàn lực lượng cách mạng.
Ngày 6/2/1930, cả thống đốc Nam Kỳ, chánh mật thám Đông Dương và phó tỉnh trưởng Biên Hòa cùng 300 lính lê dương, 500 lính khố đỏ, xe bọc thép đến uy hiếp tinh thần công nhân và sẵn sàng nổ súng thanh toán "khu đỏ". Nhưng chúng không thực hiện được ý đồ, vì chi bộ Phú Riềng đã lãnh đạo công nhân chủ động đấu tranh ôn hòa, không có gì để chúng hành động. Dưới sức ép đấu tranh của công nhân buộc chủ đồn điền và thống đốc Nam Kỳ phải chấp nhận một số yêu sách của công nhân.
Cuộc tổng bãi công của công nhân Phú Riềng mở đầu 30/1 và kết thúc 6/2/1930, sau 8 ngày đấu tranh anh dũng đã giành được thắng lợi to lớn, nó ảnh hưởng rộng rãi và để lại những bài học sâu sắc, làm rung chuyển cả hệ thống địa ngục cao su Đông Dương, làm chấn động báo chí trong nước và nước Pháp. Bài học quý nhất của cuộc đấu tranh là biết nổ ra đúng lúc, giành thắng lợi và bảo toàn lực lượng cách mạng.
Sự xuất hiện "Phú Riềng đỏ" chứng tỏ một khi đấu tranh của công nhân có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản, thì phong trào sẽ phát huy được bản chất sáng tạo của lực lượng quần chúng, làm xuất hiện những nhân tố mới, khả năng mới để phát triển cách mạng. Qua đó, dự báo nhiều khả năng phát triển của phong trào công nhân, đồng thời chứng minh năng lực lãnh đạo, uy tín lãnh đạo của chi bộ Phú Riềng nói riêng, Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung. Đây cũng là khả năng thực tế chứ không còn là trên lý thuyết, vì thế nó cho phép công nhân yên tâm đặt lòng tin tuyệt đối vào Đảng của mình trong cuộc mưu cầu cách mạng và giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.