Toàn tỉnh hiện có 5.123 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, trong đó có 238 cơ sở sản xuất, 1.228 cơ sở kinh doanh thực phẩm. Phần lớn các cơ sở này được đầu tư trang thiết bị, điều kiện sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, báo chí tăng cường các hoạt động tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm; vận động Nhân dân, người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm; nhiều pa nô, áp phích đã được xây dựng ở trung tâm chợ, tuyến đường chính, khu vực đông dân cư; phổ biến 10 nguyên tắc vàng về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân; hướng dẫn cho người dân biết cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh.
Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016
Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở từng bước được kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong 5 năm, ngành Y tế đã cử 22 cán bộ học lớp bồi dưỡng thanh tra chuyên ngành và lớp quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm do Trung ương tổ chức; cử 08 cán bộ học lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, 05 cán bộ học lớp trung cấp, cao cấp chính trị.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ an toàn thực phẩm cho tuyến dưới được chú trọng. Đến nay đã có 03/11 huyện, thị xã gửi cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng thanh tra chuyên ngành; 07/11 huyện, thị xã cử cán bộ tham gia lớp quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại Trường Đại học Y Thái Bình, Trường Thanh tra Chính phủ. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức được 9 lớp tập huấn với nội dung hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm cho 879 người là lãnh đạo phụ trách, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm tuyến huyện; lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; trưởng, phó trạm y tế và cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm của trạm y tế xã.
Công tác tập huấn, đào tạo, xác nhận kiến thức cho các tổ chức, cá nhân là đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2011 đến nay đã tổ chức cho 18.697 lượt người tham dự. Qua điều tra, khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân có kiến thức thực hành đúng về an toàn thực phẩm khá cao, trên 90% đối với người quản lý, trên 80% đối với người chế biến, sản xuất thực phẩm và trên 75% đối với người tiêu dùng thực phẩm.
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh được tiến hành thường xuyên và đúng quy trình. Qua kiểm tra phát hiện 3.270 lượt cơ sở vi phạm, trong đó đã xử phạt hành chính 399 cơ sở với số tiền thu được trên 850 triệu đồng.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa bố trí phù hợp nguồn lực, kinh phí để triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ một bộ phận cán bộ còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên ngành; việc xây dựng các mô hình điểm về thức ăn đường phố chưa được duy trì, nhân rộng vì thiếu kinh phí; vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm như lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi…