Hội thảo khoa học nhằm làm sáng tỏ truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Phước Long, Bình Phước từ khi có Đảng đến Cách mạng tháng Tám; Làm rõ những giá trị lịch sử cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng chống chế độ lao tù ở Bà Rá trong thời kỳ 1930-1945, góp phần vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Nam kỳ nói chung, Bình Phước nói riêng; Xác định rõ cơ sở khoa học cho việc phục dựng di tích nhà tù Bà Rá trong tổng thể di tích lịch sử văn hóa ở Phước Long, hình thành hệ thống địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Các đ/c Lãnh đạo thị xã trao đổi với các đại biểu tại khu trưng bày triển lãm, hình ảnh. Nội dung khoa học của Hội thảo với chủ đề : “Đấu tranh chống chế độ lao tù ở Bà Rá (giai đoạn 1930 – 1945)”; Bối cảnh lịch sử và việc xây dựng nhà tù/Trại lao động đặc biệt ở Bà Rá; Chế độ lao tù và đấu tranh của tù nhân; Phát huy giá trị truyền thống đấu tranh ở Bà Rá – Phước Long.
Được biết, từ tháng 3 đến tháng 5/2016, nội dung khoa học và Kế hoạch hội thảo đã được triển khai thực hiện đồng bộ; đặc biệt là khoa Lịch sử của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM đã xây dựng nội dung khoa học của chủ đề hội thảo gồm hàng chục vấn đề nghiên cứu và đã tiến hành điều tra khảo sát thực địa, mời các nhà khoa học, các cơ quan khoa học, các nhà chuyên môn sưu tập, nghiên cứu các vấn đề xoay quanh chủ đề hệ thống nhà tù ở Bà Rá và cuộc đấu tranh của tù nhân trong thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945.
Hội thảo đã nhận được 45 bài báo cáo, bài viết của gần 50 nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chuyên môn của nhiều người nghiên cứu, giảng dạy, quản lý chuyên môn từ các cơ quan khoa học như: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Đại học Văn hóa, Đại học Thủ Dầu Một, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Phòng Khoa học quân sự Quân khu 7, Cục Công tác phía Nam của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Hội Khoa học lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý di tích Sở Văn hóa tỉnh Bình Phước, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Thị ủy Phước Long, Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Tài chính Thị xã Phước Long,…. Qua thẩm định, Ban tổ chức hội thảo chọn, đưa vào tập tài liệu Hội thảo khoa học 39 bài. Những tài liệu phục vụ tại hội thảo là nguồn tư liệu quý, phong phú, nhiều nguồn, nhiều góc độ, nhiều nội dung và hình thức thể hiện; song cũng cần tiếp tục đối chiếu so sánh thẩm định để tăng thêm giá trị khoa học và cung cấp luận điểm, luận cứ cho nghiên cứu tham khảo phục vụ lãnh đạo và quản lý, quy hoạch và bổ sung vào các bộ lịch sử.
Nhiều báo cáo tham luận tại Hội thảo nhấn mạnh: Cuộc đời và những hi sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Bà Rá mãi mãi là những tấm gương cho hậu thế soi mình. Những câu chuyện về khí phách hiên ngang của những tù chính trị nơi đây chống lại sự tàn bạo của thực dân Pháp đã đi vào lịch sử một cách sinh động, tạo thành những nét truyền thống vô cùng đẹp đẽ của vùng đất Phước Long – Bà Rá nói riêng, Nam bộ và cả Việt Nam nói chung. Vì vậy, theo các đại biểu, di tích này xứng đáng được phục dựng đầy đủ để trở thành một trong những nơi giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thái - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Phước Long khẳng định việc tổ chức hội thảo là hết sức cần thiết, thông qua hội thảo này đã tập trung làm rõ 2 nội dung chính, đó là khẳng định giá trị di tích lịch sử cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Bà Rá./.