Nhiều thách thức từ công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Phước cần phải giải quyết
Lâm Hùng - BTGTU
2016-06-30T03:55:56-04:00
2016-06-30T03:55:56-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/Van-hoa-Xa-hoi/Nhieu-thach-thuc-tu-cong-tac-dan-so-ke-hoach-hoa-gia-dinh-tren-dia-ban-tinh-Binh-Phuoc-can-phai-giai-quyet-726.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ năm - 30/06/2016 03:55
Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 14/7/2005 của Tỉnh ủy “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình”, Bình Phước cơ bản khắc phục được sự tăng nhanh về dân số; đạt mức sinh thay thế trong năm 2015; chất lượng dân số có bước cải thiện; bộ máy tổ chức, công tác điều hành của cơ quan dân số - kế hoạch hóa gia đình được củng cố, hoàn thiện và có chiều sâu, được đánh giá là một trong những địa phương năng động, sáng tạo trong hoạt động dân số.
Tuy nhiên, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng diễn biến ngày càng khó khăn và phức tạp, nhiều thách thức đang đặt ra, đòi hỏi cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư để giải quyết, cụ thể:
Thứ nhất, mức giảm sinh có giảm nhưng chưa bền vững, có sự khác biệt giữa các địa phương và có nguy cơ gia tăng trở lại.
Giai đoạn 2011 - 2015, Bình Phước cơ bản khống chế được tốc độ gia tăng dân số nhanh để đạt mức sinh thay thế (tổng tỷ suất sinh là 2,1 con/ phụ nữ). Nhưng tính riêng trong từng huyện, thị lại không đều, vẫn còn một số huyện có tỷ suất sinh thô tương đối cao và chưa đạt mức sinh thay thế như Bù Đốp, Hớn Quản.
Là tỉnh có cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) chiếm trên 60% dân số, nên nguy cơ gia tăng dân số trở lại rất lớn.
Thứ hai, mất cân bằng giới tính khi sinh đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp.
Năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh là 109 bé trai/ 100 bé gái, và liên tục tăng cho đến năm 2015, với tỷ lệ 112 bé trai/ 100 bé gái. Nếu không quan tâm và đưa ra những giải pháp để khống chế kịp thời thì trong vòng 20 năm tới, tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ rất nghiêm trọng, tác động lớn đến vấn đề an ninh, xã hội địa phương.
Thứ ba, chất lượng dân số đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng dân số đang tập trung chủ yếu vào hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Trong 2 năm gần đây, bình quân mỗi năm có 20% số trẻ mới sinh ra được xét nghiệm sàng lọc; 30% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh, qua sàng lọc mỗi năm phát hiện gần 100 trường hợp được chuyển lên tuyến trên để theo dõi, trong đó có khoảng 10 trường hợp được khuyến nghị chấm dứt thai kỳ.
Đây là hoạt động hiệu quả, tuy nhiên số người được thực hiện miễn phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chỉ khoảng 10%, số còn lại phải thực hiện qua hình thức xã hội hóa, trong khi đó hình thức này đang gặp nhiều khó khăn về chủ trương, kinh phí... nên hiệu quả đạt được chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh trong tương lai.
Thứ tư, việc cung cấp gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ngày càng gặp nhiều khó khăn.
Trong 3 năm gần đây và trong thời gian tới, việc xã hội hóa cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình bắt đầu chuyển dần từ xã hội hóa từng phần, từng bộ phận sang xã hội hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, nhận thức của người dân hiện nay vẫn còn hạn chế, vẫn phụ thuộc vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình miễn phí, do đó việc triển khai xã hội hóa trong cung cấp gói dịch vụ này gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới các chỉ tiêu về dân số của tỉnh.
Thứ năm, vấn đề di dân tự do gây khó khăn cho công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh thì hiện tượng di dân tự do ngày càng diễn biến phức tạp, bình quân mỗi năm có gần 5.000 người nhập cư vào Bình Phước; đa số nhập cư vào các khu công nghiệp (Minh Hưng, Chơn Thành, Bắc Đồng Phú...), một số nhập cư tự do theo mùa vụ (thu hoạch điều, tiêu, cao su...) nên rất khó quản lý. Công tác tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng này thực hiện các hoạt động kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản gặp nhiều khó khăn.
Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết những thách thức trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số - kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng khu vực; tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho các đối tượng thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng các hình thức phù hợp; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số - kế hoạch hóa gia đình vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những huyện, thị, những khu vực có mức sinh còn cao; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề xuất các giải pháp để ngăn chặn, khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số; tuyên dương những gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, những gia đình sinh con một bề tiêu biểu; lên án những hủ tục lạc hậu, tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong nhận thức của người dân…
Tác giả: Lâm Hùng - BTGTU