Huyện Phú Riềng qua một năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW
Hoàng Lan
2016-06-01T10:11:07-04:00
2016-06-01T10:11:07-04:00
https://tinhuybinhphuoc.vn/news/Van-hoa-Xa-hoi/Huyen-Phu-Rieng-qua-mot-nam-thuc-hien-Chi-thi-41-CT-TW-669.html
/themes/binhphuoc/images/no_image.gif
Đảng Bộ tỉnh Bình Phước
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/cobay-ncp.gif
Thứ tư - 01/06/2016 10:10
Qua một năm thực hiện Chỉ thị 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội” trên địa bàn huyện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của Nhân dân, việc thực hiện Chỉ thị 41 đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội được đảm bảo. Lễ hội thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo Nhân dân trong và ngoài Huyện. Những kết quả đó góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của Nhân dân.
Việc thực hiện Chỉ thị gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm chuyển biến nhận thức và hành động trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và ở khu dân cư. Các khu dân cư đều tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Công tác tổ chức hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm được cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc, góp phần cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo các giá trị văn hóa của Nhân dân; giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người có công với dân, với nước, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội dân gian: Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch, nhằm tôn vinh công đức Quốc tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân có công dựng nước, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; lễ hội tôn giáo: Lễ Phật đản được tổ chức vào ngày 15/4 âm lịch, lễ Noel được tổ chức vào ngày 24/12… trong một số lễ hội có tổ chức hoạt động văn nghệ. Một số lễ hội khác mang tính chất tín ngưỡng của một bộ phận dân cư được tổ chức tại thôn, chùa, miếu… với quy mô nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trên địa bàn huyện.