Do đó, khẳng định và phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết ở nước ta hiện nay.Một số vấn đề chung về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mớiNhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thật sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình có mục tiêu toàn diện, tổng hợp của các chương trình, mục tiêu, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, liên quan trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của hơn 70% dân số toàn quốc và được triển khai thực hiện trong thời gian dài. Xây dựng nông thôn mới đặt ra là một tất yếu khách quan phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.Xây dựng nông thôn mới cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Nhân dân là lực lượng chính trực tiếp tham gia xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo của nông thôn theo hướng ngày càng văn minh, tiến bộ. Nhân dân là người chủ - người có quyền trực tiếp tham gia, quyết định, giám sát các hoạt động trong xây dựng nông thôn mới; trực tiếp tổ chức, giám sát các hoạt động và hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới một cách đầy đủ, kịp thời.Thực tế cho thấy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có thể được tiếp cận bởi nhiều khía cạnh, nhưng điểm thống nhất chung khẳng định Nhân dân có vị thế, được quyền tham gia và hưởng thụ lợi ích gắn với các hoạt động trên các mặt của đời sống. Nhân dân thực sự là chủ thể nắm quyền lực xã hội, trước hết và trực tiếp là quyền lực nhà nước. Do đó, việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được gắn liền với điều kiện đảm bảo bằng pháp lý, được ghi nhận bằng pháp luật; đồng thời gắn liền với tiến trình dân chủ hóa các hoạt động xã hội. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân luôn đi liền với điều kiện pháp lý bảo đảm bằng pháp luật ghi nhận; đồng thời gắn liền với tiến trình dân chủ hóa các hoạt động của xã hội. Muốn phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đòi hỏi cần bảo đảm về mặt pháp lý cho người dân có quyền, phải tạo ra đủ các điều kiện cần thiết để người dân được tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải thừa nhận và bảo đảm trên thực tế các quyền tự do, bình đẳng; quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; đồng thời mở rộng điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền và lợi ích của mình. Một góc khu dân cư kiểu mẫu tại thôn 6 xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước
Mặt khác, quyền làm chủ của Nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ và đúng nghĩa khi Nhân dân hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của mình trước các hoạt động xã hội mà Nhân dân tham gia. Nghĩa là quyền được biết, được cung cấp thông tin cần thiết, liên quan tới nghĩa vụ, quyền lợi. Vì đây là tiền đề để Nhân dân tự giác, chủ động và tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ làm chủ, đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ. Muốn vậy, Nhân dân phải tự giác học tập và thực hành quyền làm chủ, nâng cao trình độ hiểu biết về thực hành dân chủ; đồng thời, phải giúp Nhân dân phấn đấu, rèn luyện phương pháp thực hiện quyền làm chủ, nâng cao bản lĩnh thực hành dân chủ. Đem tài dân, trí dân, sức dân và tập hợp Nhân dân thành sức mạnh to lớn hiện thực hóa mọi chủ trương, đường lối của Đảng vì hạnh phúc của Nhân dân.Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là thực hiện và nâng cao vị thế là chủ và làm chủ xã hội của Nhân dân. Do vậy, phải có cơ chế, điều kiện đảm bảo cho Nhân dân thực hiện và phát huy đầy đủ, nghiêm túc quyền, nghĩa vụ tham gia và quyết định đối với mọi hoạt động của xã hội. Để phát huy địa vị đó, phải đảm bảo cho Nhân dân được tham gia vào các hoạt động từ đưa ra sáng kiến, thảo luận, tranh luận... đến quyết định các hoạt động chung của xã hội; đồng thời, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động xã hội. Nói cách khác, phải có cơ chế, điều kiện mở rộng quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia các vấn đề liên quan đến lợi ích, cuộc sống của mình và sự biến đổi của xã hội.Nội dung phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mớiThứ nhất, quyền được biết, tiếp thu, được thông tin về các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Để phát huy được quyền làm chủ của người dân trong xây dựng nông thôn mới, cần gắn việc “dân biết” - tức là quyền lợi, nghĩa vụ và sự hiểu biết của người nông dân về những kiến thức bản địa có thể đóng góp vào quá trình quy hoạch nông thôn, quá trình khảo sát thiết kế các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Mặt khác, người dân có điều kiện tham gia hiệu quả hơn vào các giai đoạn sau của quá trình xây dựng công trình. Người dân nắm được thông tin đầy đủ về công trình mà họ tham gia như: mục đích xây dựng công trình, quy mô công trình, các yêu cầu đóng góp từ cộng đồng, trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng người dân được hưởng lợi.Đồng bào DTTS góp phần không nhỏ vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước (ảnh Báo Bình Phước online)
Thứ hai, Nhân dân được thảo luận, bàn bạc và quyết định hoặc gián tiếp quyết định thực hiện các đề án, kế hoạch, quy hoạch gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngay từ cơ sở, việc “dân bàn” - tức là bao gồm sự tham gia ý kiến của người dân liên quan đến kế hoạch phát triển sản xuất, liên quan đến các giải pháp, mọi hoạt động của nông dân trên địa bàn như: bàn luận mở ra một hướng sản xuất mới, đầu tư xây dựng công trình phúc lợi công cộng, các giải pháp thiết kế, phương thức khai thác công trình, tổ chức quản lý công trình, các mức đóng góp và các định mức chi tiêu từ các nguồn thu, phương thức quản lý tài chính,… trong nội bộ cộng đồng dân cư hưởng lợi, trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương có vai trò rất quan trọng. Việc góp ý kiến của người dân là kênh thông tin quan trọng, thậm chí đóng vai trò “phản biện”, “thẩm định” các luận cứ khoa học từ đồ án quy hoạch ban đầu. Qua đó, giúp cho các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới (qua những lần điều chỉnh từ sự góp ý của người dân) bám sát thực tế, có sự phù hợp, tính khả thi cao và khi triển khai thực hiện có được những thuận lợi cùng với đó là những kết quả tốt đẹp.
Thứ ba, Nhân dân có quyền và có trách nhiệm đầu tư phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn; quyền được đầu tư phát triển kinh tế vì mục tiêu nông thôn mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn, nông nghiệp là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó người dân là chủ thể thực hiện. Cùng với sự giúp đỡ của Nhà nước và các nguồn lực hỗ trợ đầu tư khác của xã hội, người dân phải tự giác, tích cực thực hiện. Vì vậy, để thực hiện quyền làm chủ, người dân vừa phải thực hiện đóng góp, vừa phải trực tiếp khai thác, sử dụng, tôn tạo, bảo quản hệ thống hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội tại nông thôn. Do điều kiện kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, nên bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thì việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa bàn nông thôn cần được xã hội hóa bằng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, trong đó không thể thiếu sự tham gia của cư dân nông thôn. Hơn ai hết, Nhân dân hiểu rằng, tham gia vào quá trình này cũng là đem lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân người dân và trên thực tế đang phát triển thành phong trào thi đua sôi nổi, sức lan tỏa rộng lớn, có hiệu quả ở nhiều địa phương.
Thứ tư, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Quyền kiểm tra, giám sát của Nhân dân là hình thức thực hành dân chủ trực tiếp, là nội dung quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của người dân tại địa phương cơ sở. “Dân kiểm tra, giám sát” có nghĩa là thông qua các chương trình, hoạt động có sự giám sát và đánh giá của người dân, để thực hiện các quy chế dân chủ cơ sở của Đảng và Nhà nước nói chung và nâng cao hiệu quả chất lượng công trình. Ở những công trình có nhiều bên tham gia, sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng hưởng lợi có tác động tích cực trực tiếp đến chất lượng công trình và tính minh bạch trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của người dân vào xây dựng, quản lý và vận hành công trình. Việc kiểm tra có thể được tiến hành ở tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư trên các khía cạnh kỹ thuật cũng như tài chính. Mặt khác, Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thực tế thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của chính quyền địa phương.
Thứ năm, bên cạnh các nội dung về dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, trong Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm một nội dung là “dân thụ hưởng”. “Dân thụ hưởng” nghĩa là người dân có quyền được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển. Đồng thời, khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của xã hội. Mối quan hệ biện chứng giữa thụ hưởng và cống hiến nếu được thực hiện đúng sẽ tạo ra một xung lực mới trong quá trình phát triển đất nước. Từ đó, hoàn thiện và hiện thực hóa thêm một bước tư tưởng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Thứ sáu, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng hệ thống chính trị. Phải làm cho người dân thực hiện đầy đủ và phát huy vai trò tích cực của mình vào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là biện pháp bảo đảm để tổ chức đảng, bộ máy chính quyền nhà nước và các đoàn thể ngày càng trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực phục vụ Nhân dân đúng với bản chất nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Thứ bảy, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh, trật tự ở nông thôn. Một nội dung quan trọng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là việc nâng cao vai trò của Nhân dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và an ninh, trật tự tại địa phương. Đây là một tiêu chí cơ bản trong bộ tiêu chí nông thôn mới hiện nay. Việc giữ gìn và phát huy văn hóa trước hết là giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa trong phong tục, lối sống của cộng đồng dân cư ở địa phương đã và đang là động lực cho sự phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn nông thôn trong tình hình mới là công việc phức tạp, khó khăn cần có sự kiên trì, xuyên suốt và phải có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là việc riêng của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng vũ trang. Việc phát huy dân chủ của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới cần thực hiện đầy đủ quyền, trách nhiệm của Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự ở nông thôn.