Từ Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa vào văn kiện cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, cụ thể trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), người dân đã được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, được giám sát. Tuy nhiên, khi đề cập tới việc “dân thụ hưởng” lại trở thành chủ đề các thế lực thù địch phản động, phần tử cơ hội tìm cách xuyên tạc vô căn cứ để chống đối Đảng, Nhà nước ta.
“Việc to, việc nhỏ đã có dân lo”
Đoạn đường rộng khoảng 20m, với chiều dài 400m vốn dĩ là một phần khu vườn trồng cây ăn trái và cây công nghiệp lâu năm của hộ ông Nguyễn Hoàng Phương, thôn Phú Châu, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng. Mỗi năm từ vườn cây này đem về cho gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường nhựa kết nối đi xã Long Bình buộc phải xẻ đôi khu vườn. Tuy nhiên, với ông Phương đó không còn là mảnh đất của lợi ích cá nhân mà là con đường của lợi ích tập thể, mang theo nhiều nguồn năng lượng mới cho vùng quê xa xôi nên ông đã tự nguyện hiến hơn 6 sào tiêu, cà phê và chôm chôm đang cho thu hoạch. Ông Phương chia sẻ: Khi Nhà nước mở đường cho phát triển thì mình cũng là người thụ hưởng. Mình bỏ ra một ít nhưng được hưởng lợi rất lớn và lâu dài. Các phương tiện giao thông thuận tiện hơn để chở nông sản, diện mạo nông thôn sẽ tốt hơn.
Con đường mới mở xẻ đôi vườn cây ăn trái đang thu hoạch của hộ ông Nguyễn Hoàng Phương, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng. Tuy nhiên, với ông Phương đó không còn là mảnh đất của lợi ích cá nhân mà là con đường của lợi ích tập thể, nên ông đã tự nguyện hiến đất để làm đường
Có hơn 100 cây cao su khai thác năm thứ 7 và hơn 50 cây sao đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng khi tuyến đường thôn Phú Châu đi qua, ông Hoàng Văn Đại, chủ vườn cây vẫn sẵn sàng hiến đất, cây trồng để Nhà nước làm đường. Ông Đại vui vẻ: Khi các cơ quan, chính quyền địa phương trao đổi về việc hiến đất làm đường, gia đình tôi rất phấn khởi. Nói chung được lợi cho mình, cho bà con đi lại thuận tiện hơn. Do đó, đường lấy vào bao nhiêu thì hiến bấy nhiêu, kể cả cây trồng. Làm được con đường này, người dân chúng tôi hưởng lợi rất nhiều nên đa số đồng tình hưởng ứng.
Ông Hoàng Văn Đại (ngoài cùng bên phải) ở thôn Phú Châu, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng sẵn sàng hiến đất, cây trồng để Nhà nước làm đường
Tuyến đường ở thôn Phú Châu được mở rộng, thảm nhựa hơn 6km, rộng 20m kết nối xã Bình Sơn đi xã Long Bình thuộc huyện Phú Riềng. Con đường đi qua, ảnh hưởng diện tích cây trồng, công trình, thậm chí nhà ở của hơn 100 hộ dân. Tuy nhiên, với tinh thần “việc to, việc nhỏ đã có dân lo”, sau khi thống nhất chủ trương, nhân dân đã đồng thuận. Ông Lê Xuân Đỉnh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Châu cho biết: Chi bộ thôn, mặt trận họp, đưa ra phương án huy động dân, họp dân để bà con thấu hiểu. Lợi ích con đường là phát triển kinh tế, liên kết xã này đến xã kia, rất thuận tiện nên người dân phấn khởi.
Hành động cao đẹp, mang ý nghĩa to lớn như ông Phương, ông Đại đã làm là những gì người dân Bình Phước đã và đang thực hiện rất hiệu quả. Những khẩu hiệu “việc phố việc làng, đất vàng cũng hiến”, “việc to, việc nhỏ đã có dân lo” đang được phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương. Điều đó đã đập tan luận điệu: ““dân thụ hưởng” hay “lấy dân làm gốc” mà Đảng, Nhà nước đặt ra là không thực chất, chỉ là mị dân”. Và những phân tích của chính người dân đang thụ hưởng khẳng định một lần nữa luận điệu “dân thụ hưởng là khẩu hiệu suông, là mị dân” là vô căn cứ, là bịa đặt. |
Lợi ích từ nông thôn mới
Ông Khằm Thanh Sơn, người có uy tín thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết: Tiểu khu 42 thuộc thôn 10 là vùng phên dậu của Tổ quốc với 320 hộ dân sinh sống, trong đó hơn 90% là đồng bào S’tiêng. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiểu khu từng ngày “thay da, đổi thịt”, người dân được thụ hưởng rất nhiều. Nhiều hộ được tặng nhà, khoan giếng, hỗ trợ bò, dê, heo, máy móc, nông cụ sản xuất. Đời sống vật chất tăng lên thì ý thức của mỗi người dân cũng từng bước nâng cao.
Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ khẳng định: Thời gian qua, Đắk Ơ được cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp thường xuyên quan tâm, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Từ đó, nhân dân tích cực tham gia các chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là những chương trình ý nghĩa, nhân dân thụ hưởng lớn, có nhà ở ổn định, có con giống để nuôi, đường sá đi lại thuận tiện hơn. Đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng tốt hơn.
Nhân dân ấp 6, xã Tiến Hưng (TP. Đồng Xoài) đồng lòng nâng cấp mở rộng đường hẻm
Đến hết tháng 11-2023, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh có 73/86 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 84,88%. Số xã NTM nâng cao là 21/86, chiếm 24,41%. Có 3/11 địa phương (thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và Bình Long) được công nhận hoàn thành xây dựng NTM. Hệ thống giao thông nông thôn phát triển về số lượng và nâng cấp về chất lượng, góp phần tích cực, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư về khu vực nông thôn, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Hệ thống trường học các cấp, mầm non, tiểu học, THCS khu vực nông thôn được củng cố và nâng cấp...
Trong thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp nhân dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là trung tâm hướng đến của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chính người dân là người làm chủ quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, đồng thời trực tiếp thụ hưởng giá trị to lớn của quá trình đó. Và khi đã nhìn nhận được lợi ích của mình trong đó, nhân dân càng tin tưởng và đồng hành với Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Qua đó, những luận điệu của thế lực thù địch, phản động cơ hội dù có tinh vi đến đâu cũng sẽ lạc lõng.
Tác giả: Cẩm Liên (BPO)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn