Từ nghị quyết chuyên đề Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành về phát triển ngành điều của địa phương năm 2020, đến nay ngành điều Bình Phước đã có những bước đột phát quan trọng và sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đã mang về cho địa phương mỗi năm hơn 1 tỷ USD.
Theo Tỉnh ủy Bình Phước, hiện diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh duy trì khoảng 152.000 ha, chiếm 50% diện tích cây điều của cả nước, chiếm hơn 30% tổng diện tích cây lâu năm và trên 33% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh; trong đó, diện tích trồng điều của các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 50.000 ha.Không những đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng điều, hiện nay trên địa bàn Bình Phước còn có hơn 1.400 cơ sở chế biến đều vừa và nhỏ (đứng đầu cả nước), giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động.
Xác định được tầm quan trọng của ngành điều đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 về phát triển ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 11, ngành điều tỉnh Bình Phước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, trên địa bàn Bình Phước đã có 35.000 ha/152.000 ha điều tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên; 3.200 ha sản xuất theo quy trình được chứng nhận hữu cơ và các tiêu chuẩn khác; 8.000 ha xen canh, chăn nuôi dưới tán cây điều. Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh (tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Ảnh: K GỬIH - TTXVN
Tỉnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh cây điều lớn như huyện Phú Riềng có 9 hợp tác xã điều đăng ký và tham gia liên kết diện tích khoảng 1.480 ha; huyện Đồng Phú với 5 hợp tác xã sản xuất điều đang có hợp đồng liên kết và tiêu thụ diện tích 1.750 ha; huyện Bù Gia Mập có 5 hợp tác xã sản xuất điều tham gia liên kết diện tích 2.491 ha; huyện Bù Đăng có 4 hợp tác xã tham gia chuỗi điều liên kết diện tích 1.143 ha…
Theo Tỉnh ủy Bình Phước, tỉnh đã hoàn thành việc lập bản đồ vùng chuyên canh điều giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, có 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều tham gia liên kết với 24 đơn vị (gồm các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại) với diện tích liên kết 3.500 ha đạt chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GMP, HACCP, ISO 22000…; hiện tại, tỉnh đã có 273 cơ sở chế biến điều trên địa bàn tỉnh đang áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Nhờ những bước chuyển trên, năm 2020 sản lượng xuất khẩu hạt điều của Bình Phước đạt 152 nghìn tấn, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch đạt 896 triệu USD. Năm 2021, sản lượng xuất khẩu đạt 205 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, sản lượng xuất khẩu đạt 171 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.
“Việc áp dụng công nghệ chế biến, máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại vào sản xuất ngành điều đã giúp tăng năng suất, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, giảm giá thành, đáp ứng yêu cầu khách hàng quốc tế. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ giúp doanh nghiệp chế biến điều gia tăng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần tăng thu ngân sách; là đòn bẩy giúp ngành chế biến điều của Bình Phước phát triển, góp phần thúc đẩy xuất khẩu”, Tỉnh ủy Bình Phước nhận định.
Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho rằng, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, ngành điều của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ sở chế biến điều trên địa bàn vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; nguồn cung hạt điều thô của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, trong khi 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, châu Phi….
“Các cơ sở chế biến điều trên địa bàn phần lớn chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong nước để chế biến. Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước chỉ rõ.
Theo nhận định của ông Trần Công Khanh (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều) tại hội thảo Giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao giá trị ngành điều Bình Phước diễn ra mới đây, đến năm 2030 diện tích điều ổn định so với năm 2020, do đó cây điều muốn tồn tại cần phải cạnh tranh quyết liệt với cây trồng khác.
“Con đường duy nhất đối với ngành điều của tỉnh Bình Phước là tái canh vườn điều thực sinh bằng các giống điều mới đã được chuyển giao, đây là giải pháp có tính chiến lược lâu dài, để nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng điều”, ông Trần Công Khanh nhấn mạnh.
Theo ông Khanh, tỉnh cần xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất điều, các hợp tác xã kiểu mới để sản xuất điều thâm canh (sản lượng 2,5- 3,0 tấn/ha); liên kết sản xuất giữa các nông dân để tạo thành các vùng nguyên liệu tập trung có sản lượng và chất lượng cao, tiến tới xây dựng các mô hình sản xuất điều có chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm điều Bình Phước.
Về giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều Việt Nam nói chung, ngành điều Bình Phước nói riêng, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt, phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng..