Thổi bùng khát vọng đưa nông nghiệp Việt Nam cất cánh (Kỳ 1)

Thứ ba - 19/12/2023 09:15
Quan điểm của Đảng về vai trò “nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế” là sự kế thừa và phát triển lịch sử tư tưởng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nông nghiệp. Người khẳng định vai trò của nông nghiệp “là gốc” và đã đặt nông nghiệp trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ với ngành kinh tế khác.
 
Trong những năm gần đây, với vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế, nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chiến lược quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước.
Khẳng định vị thế từ lịch sử đến… hiện đại

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.

Quan điểm của Đảng về vai trò “nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế” là sự kế thừa và phát triển lịch sử tư tưởng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của nông nghiệp. Người khẳng định vai trò của nông nghiệp “là gốc” và đã đặt nông nghiệp trong mối quan hệ thống nhất hữu cơ với ngành kinh tế khác.

Ngay sau khi giành được độc lập ngày 11-4-1946, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Đây chính là quan điểm toàn diện, tổng quát của Hồ Chí Minh về vai trò của nông dân - nông thôn - nông nghiệp Việt Nam.
 
Trong chỉnh thể nền kinh tế quốc dân, Người coi quan hệ công nghiệp - nông nghiệp là những trụ cột của nền kinh tế: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích”.

Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở: “Phải chú ý cả các mặt thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, giáo dục y tế…” bởi nông nghiệp chỉ có thể phát triển và thực hiện được vai trò của nó khi có sự tác động của các ngành khác.

Vai trò là trụ đỡ của nông nghiệp đối với các ngành kinh tế thể hiện ở chỗ, nông nghiệp “cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thủy sản…”. Không những vậy, sự phát triển của nông nghiệp sẽ cung cấp các nguồn lực quan trọng để “mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài”, là điều kiện quan trọng để giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại, vấn đề quan hệ quốc tế.

Đặc biệt, trong Di chúc thiêng liêng, Hồ Chí Minh vẫn dành sự quan tâm đối với người nông dân, lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn. Người “có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.



Từ thực tiễn cho thấy, với vai trò là “trụ đỡ” nền kinh tế của nông nghiệp đã và đang ngày càng được khẳng định trong thực tiễn phát triển đất nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, bảo đảm sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; chiếm 30% lực lượng lao động cả nước và chiếm tỷ trọng gần 12% tăng trưởng kinh tế (GDP).

Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới. Những năm gần đây, nông nghiệp ngày càng chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVD-19 diễn biến vô cùng phức tạp tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài những tác động đó: nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề bị tác động nặng nề bởi đại dịch. Hàng ngàn nhà máy đóng cửa hoặc cắt giảm sản xuất. Ngành Du lịch “đóng băng”… Nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nông nghiệp đã phát huy vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và góp phần đẩy nhanh tăng trưởng ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, quan điểm của Đảng coi nông nghiệp là “trụ đỡ” là sự vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xuất phát từ chính thực tiễn sự phát triển nông nghiệp và những đóng góp của nông nghiệp đối với kinh tế đất nước.



Thay đổi tư duy, tạo động lực mới

Năm 2008, cả nước có 957,5 nghìn lượt hộ thiếu đói và 4 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói. So với năm 2007, số lượt hộ thiếu đói tăng 32,3%, số lượt nhân khẩu thiếu đói tăng 32,7%. Tình trạng thiếu đói tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Trước vấn đề của thời cuộc là làm thế nào để nâng cao đời sống cho người nông dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, Hội nghị Trung ương 7, khóa X đã xác định vấn đề “Tam nông” là nhiệm vụ chính trị quan trọng. 

Ngày 5-8-2008, Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Tam nông” đã ra đời. Đây là Nghị quyết mang tính lịch sử, Nghị quyết đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó khẳng định nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới (NTM) là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. Để thực hiện Nghị quyết, năm 2009, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nổi bật là hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.
Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới.
Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Ảnh minh họa.
Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực của toàn dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều chỉ số phát triển đã theo kịp và vượt các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN): Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu gạo, thuỷ sản, tôm, trái cây, thức ăn chăn nuôi; đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản, hiện sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dẫu vậy, thời gian qua, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao... Nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, nên có lúc, có nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trước xu thế phát triển theo hướng CNH, HĐH sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, Đại hội XIII của Đảng đề ra những chủ trương lớn, tạo ra sự chuyển đổi mang tính cách mạng về tư duy trong nông nghiệp.
Thực hiện sáng tạo, hiệu quả những chủ trương và giải pháp được Đại hội XIII của Đảng đề ra, BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo nên động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với một thế hệ nông dân có tư duy đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, khát vọng đưa đất nước trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN.

Theo đó, nhận thức, tư duy trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về tam nông tiếp tục được thay đổi, khẳng định vị trí thế mạnh của mình khi “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước”.

Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Đặc biệt, Nghị quyết như luồng ánh sáng làm ấm lên những hoạt động đầu tư cho tam nông với mục tiêu: “Nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”.
Ngay sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27-2-2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình MTQG xây dựng NTM, Đề án cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, nhằm giúp nông nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, với việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp đa giá trị, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn; tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn.
Khát vọng về một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa lưới trong nhà kính)
Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao (trồng dưa lưới trong nhà kính). Ảnh minh họa.
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 đến 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 đến 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5 đến 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp.
Với mục tiêu đó, chiến lược có rất nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá quan trọng về thể chế và chính sách. Trong đó, thể hiện rõ đổi mới về tư duy, định hướng phát triển cho các ngành, các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm liên ngành trong định hướng và giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân trí thức, văn minh.

Theo đó, sẽ chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm khí thải, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương. Về tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm gia công. Đối với khu vực nông thôn, sẽ xây dựng NTM đi vào chiều sâu hơn song song với việc phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, tiến tới xây dựng “nền kinh tế dịch vụ” ở nông thôn. Riêng đối với đội ngũ nông dân, chiến lược nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân, khẳng định việc trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng chính trong phát triển kinh tế - xã hội; từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Đồng thời có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường trong nước và xuất khẩu.



Trao đổi về những kỳ vọng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ chiến lược này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Chiến lược kỳ vọng được lan tỏa để định vị đúng lại trong tâm thức lãnh đạo, người dân về vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực tế, tăng trưởng của nông nghiệp không thể nhanh, mạnh như tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nhưng chúng ta đừng nhìn vào con số mà xem nhẹ nó bởi dù con số nhỏ nhưng lại có vai trò, vị trí to lớn trong việc bình ổn xã hội vì hơn 60% dân số Việt Nam đang là nông dân và ở nông thôn. Chỉ khi định vị đúng vai trò, sứ mệnh nông nghiệp thì mới có thể tập trung phát triển; còn khi không quan tâm thì tất cả các nguồn lực sẽ chuyển sang khu vực khác. Hiện tượng dòng người từ nông thôn bỏ ruộng vườn đi làm ăn ở Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh…, rồi khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát thì đã diễn ra tình trạng một dòng người quay trở về nông thôn. Dòng người này có thể ở lại nông thôn, làm ăn và phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng cũng có thể thấy hết dịch họ sẽ trở lại các thành phố lớn. Nếu không định vị lại được vị trí, vai trò, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn thì vô hình trung chúng ta lại đẩy dòng người hồi hương này ra đi. Vì vậy, thông qua chiến lược, tôi cũng mong muốn các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế cần cân nhắc, tập trung nhiều nguồn lực hơn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới để đổi mới, phát triển toàn diện và ấn tượng theo hướng tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, chúng ta cứ cân nhắc quá nhiều về cái giá phải trả khi thay đổi, mà quên tính đến cái giá phải trả khi chúng ta không thay đổi, chúng ta không làm gì. Thay đổi trong nông nghiệp cũng vậy, bây giờ, không còn sức ép bên trong, mà là sức ép toàn cầu thể hiện quyết tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để nông thôn Việt Nam “mới” hơn, phát triển hơn; để nông dân thật sự chuyên nghiệp trong sản xuất và kinh doanh; để nông nghiệp thật sự trở thành một nghề - nghề “nuôi cái ăn chung” cho cả nước và cũng là nghề làm giàu cho đất nước hôm nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
2. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27-2-2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
4. Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5.Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22-2-2022 phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
6. Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
7. Báo cáo chế biến nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tác giả: TS. NGUYỄN TRUNG DŨNG - THS. CAO THỊ PHƯƠNG

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Dang cs
quoc hoi
chinh phu
bp
hndn
cb
TUYEN GIAO
BAO BP

19/2023/LT

Lịch VPTU tuần thứ 19/2023

Thời gian đăng: 07/05/2023

lượt xem: 2075 | lượt tải:26

01/DSMT

Danh sách miễn thi ngoại ngữ, tin học CVC 2021

Thời gian đăng: 07/11/2021

lượt xem: 2450 | lượt tải:599

VB1111

Công văn V/v điều chỉnh, bổ sung lịch làm việc tuần 44

Thời gian đăng: 31/10/2021

lượt xem: 20619 | lượt tải:4464

8-HĐTNN

Số 08-HĐTNN

Thời gian đăng: 26/10/2021

lượt xem: 21223 | lượt tải:97579

số 16 /TB-QHTASXH

số 16 /TB-QHTASXH

Thời gian đăng: 10/05/2021

lượt xem: 19798 | lượt tải:381
Thống kê
  • Đang truy cập240
  • Máy chủ tìm kiếm24
  • Khách viếng thăm216
  • Hôm nay58,084
  • Tháng hiện tại261,746
  • Tổng lượt truy cập26,440,133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây