Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, phát huy truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường, Lộc Ninh hôm nay đã ngày càng “thay da đổi thịt”, kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện 03 chương trình đột phá về nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), phát triển kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và du lịch nhằm lan tỏa quyết tâm, khát vọng, tạo sự đồng thuận, thu hút nguồn lực đưa Lộc Ninh bứt phá.
Vùng đất cách mạng vươn mình phát triển
Những ngày này, ai có dịp về thăm vùng đất Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước mới cảm nhận rõ được sự sôi động, thay đổi của mảnh đất có bề dày lịch sử, mảnh đất “Thủ đô kháng chiến”, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hậu phương trực tiếp của chiến trường B2. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lộc Ninh như được thăng hoa, trở thành vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.
Huyện nằm trong vùng có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, với khí hậu nhiệt đới ôn hòa, là khu vực miền núi nhưng địa hình ít dốc; tài nguyên đất chất lượng, màu mỡ. Điều kiện này đã giúp huyện hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Cao su, hồ tiêu, điều, cây lúa nước và một số loại cây ăn trái,…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết - Lộc Ninh, tháng 7/2024
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam giai đoạn 1972 – 1975 (còn gọi là “Rừng Chính phủ”, Căn cứ Tà Thiết), đã được quy hoạch vào điểm du lịch quốc gia; Di tích quốc gia đặc biệt Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 (xã Lộc Quang) nằm trong hệ thống Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh,... Bên cạnh đó, với các hồ thủy lợi có cảnh quan đẹp, không khí trong lành, Lộc Ninh trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước trải nghiệm nhiều loại hình du lịch như: Du lịch về nguồn, lịch sử; du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch trải nghiệm, sinh thái,...
Khu liên hợp xử lý và tái chế chất thải tại KKT cửa khẩu Hoa Lư - Lộc Ninh
Đặc biệt, sự hình thành khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Hoa Lư, khu công nghiệp - dịch vụ là cơ hội lớn để huyện thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi bộ mặt xã hội, tạo tiền đề cho sự phát triển mới của một vùng kinh tế động lực tỉnh là vùng Hoa Lư - Chơn Thành.
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, hơn 50 năm sau ngày giải phóng, vùng đất cách mạng, phên giậu quan trọng phía Tây Nam Tổ quốc đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những huyện có tốc độ phát triển khá cao trong tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 13%.
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư ngày càng hoàn thiện như: Tuyến quốc lộ 13 và tuyến phía Tây quốc lộ 13 đang được đầu tư kết nối đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; tuyến ĐT759 đến cửa khẩu Hoàng Diệu; tuyến ĐT757 đến cửa khẩu phụ Tân Tiến; tuyến đường Minh Lập - Lộc Hiệp; đường tránh quốc lộ 13 đoạn đi qua thị trấn Lộc Ninh,...
6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện trên 191 tỷ đồng, đạt 55% dự toán HĐND huyện thông qua. Đến nay, huyện đã thực hiện được 148km điện chiếu sáng đường giao thông nông thôn, đạt 59% kế hoạch; thẩm định 94 tuyến đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù và đang hoàn thành hồ sơ huyện về đích nông thôn mới trong năm 2024.
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 26,01 tỷ đồng, đạt 53% so với kế hoạch, tăng 9,66% so với cùng kỳ. Giá trị doanh thu vận tải ngoài quốc doanh đạt 25,09 tỷ đồng, đạt 52% so với kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đây không chỉ là kết quả của các quyết sách cụ thể, hiệu quả, mà còn là sự quyết tâm, nỗ lực đồng thuận từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Những thành quả, nền tảng 50 năm qua đã “đơm hoa kết trái” giúp Lộc Ninh tiếp tục vững bước trên những chặng đường tiếp theo.
Lộc Ninh tích cực chuyển đổi cây trồng vật nuôi
Ba đột phá, hiện thực hóa khát vọng vươn lên
Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh có 110km đường biên giới tiếp giáp 02 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, không chỉ là phên giậu của huyện mà còn của cả tỉnh và khu vực Đông Nam bộ. Huyện cũng là địa phương có nhiều dân tộc anh em sinh sống, tạo sự gắn kết cộng đồng, đoàn kết, đấu tranh trong thời kỳ cách mạng cũng như trong xây dựng, phát triển quê hương.
Ông Nguyễn Gia Hòa, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 chương trình đột phá gồm: NNCNC, phát triển kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và du lịch. Đây là cơ sở quan trọng để huyện phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, hoạch định chính sách, phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư nhằm hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng về một Lộc Ninh ngày càng bứt phá mạnh mẽ, trở thành huyện đi đầu trong tỉnh về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp; kinh tế cửa khẩu và dịch vụ, du lịch.
Trong phát triển NNCNC, huyện đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương cũng đã phối hợp với Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh quy hoạch 250ha để phát triển NNCNC. Toàn huyện có 27 sản phẩm OCOP hạng 3 - 4 sao.
“Định hướng của huyện sẽ là quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cho những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển hạ tầng đảm bảo phục vụ cho NNCNC; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC làm đầu tàu, điểm tựa cho các vệ tinh xung quanh. Đi cùng với đó là xây dựng thương hiệu, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm túc, tạo sản phẩm sạch và rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ để xuất khẩu”, ông Nguyễn Gia Hòa nhấn mạnh.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, tính đến nay, KKT đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương giao đất cho 89 dự án với diện tích khoảng 1.600ha. Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng KKT cửa khẩu Hoa Lư tạo tiền đề cho sự phát triển mới của vùng kinh tế động lực Hoa Lư - Chơn Thành. Tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics. Đầu tư xây dựng dự án Cảng cạn ICD Hoa Lư có quy mô 35,3ha. Xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, kho hàng hóa thương mại, phát triển chợ đầu mối nông sản gắn với hình thành các trung tâm dịch vụ logistics; phát triển mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn,…
Bên cạnh đó, với đột phá phát triển du lịch, Lộc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch vốn được ví là “công chúa ngủ trong rừng” trên cơ sở khai thác hết thế mạnh địa phương. Cùng với giữ nguyên, tôn tạo các di tích, huyện sẽ kêu gọi đầu tư vào các phân khu đã được quy hoạch trong các khu di tích để tạo nên sức hút du khách. Ngoài những điểm du lịch về nguồn, huyện chú trọng phát triển du lịch sinh thái, dã ngoại, du lịch nông nghiệp,… đưa du lịch thành nền kinh tế mũi nhọn, “điểm đến an toàn, chất lượng và thân thiện” trong giai đoạn 2022 – 2025.
Yến sào Cô Lê là sản phẩm OCOP của huyện Lộc Ninh
Sát cánh cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư
Niềm tin vào sự phát triển mạnh mẽ của huyện Lộc Ninh trong tương lai, ngoài lợi thế sẵn có, còn xuất phát từ chính những nỗ lực cống hiến và khát vọng vươn lên của các thế hệ lãnh đạo và mỗi người dân.
Theo đó, huyện không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đồng thời, tập trung rà soát, công khai các quy hoạch làm căn cứ kêu gọi, thu hút đầu tư. Lộc Ninh cũng quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các cụm công nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Song song với đó, chú trọng cải cách hành chính (CCHC), giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), cơ sở hạ tầng, để các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Hiện UBND huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng Bồi thường GPMB các dự án; thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch tiến độ GPMB đối với từng dự án. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát các quỹ đất nằm trong quy hoạch để lên kế hoạch, lộ trình đầu tư các khu tái định cư trong thời gian sớm nhất.
UBND huyện cũng thường xuyên tổ chức hội nghị đối thoại nhằm hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
“Quan điểm của Lộc Ninh là luôn coi cộng đồng doanh nghiệp là đội quân chủ lực; tập trung chỉ đạo, thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” với phương châm “Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp”. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cùng chung tay xây dựng Lộc Ninh ngày càng phồn vinh, giàu mạnh”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Gia Hòa khẳng định.
Đẩy mạnh CCHC, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh
Xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, huyện Lộc Ninh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện CCHC toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Theo đó, công tác CCHC được tiến hành một cách toàn diện, từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công đến xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Từ năm 2015, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện CCHC bằng hệ thống điện tử, ISO cho hoạt động hành chính công. Ngoài ra, việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa điện tử” tại các cơ quan hành chính nhà nước được xem là biện pháp hữu hiệu, tạo bước đột phá trong CCHC. Qua đó, góp phần đơn giản hóa, loại bớt những thủ tục rườm rà, chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân. Năm 2023, điểm số CCHC của huyện Lộc Ninh đạt 90,45/100 điểm, chỉ số đạt 90,45%, thứ hạng 04/11 huyện, thị xã, thành phố, thuộc nhóm có Chỉ số CCHC loại Tốt.
Để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị (DDCI) nói riêng và PCI nói chung cũng như góp phần thu hút đầu tư, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp CCHC, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, quy định kinh doanh gắn với phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, duy trì kết quả tốt của các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI, Chỉ số Xanh (PGI); tập trung cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp, đặc biệt là các chỉ số có trọng số cao. Tăng cường xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động và cầu thị. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm tạo chuyển biến vững chắc, phát triển bền vững. |