Bình Phước: Xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ tư - 27/11/2024 17:51 24 0
Xác định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương nên để phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Bình Phước hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh sản phẩm. Qua đó, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.
Tạo dấu ấn cho nông sản địa phương

Bình Phước có quỹ đất nông nghiệp dồi dào để phát triển vùng nguyên liệu trồng trọt và chăn nuôi với quy mô lớn. Hiện tại, tỉnh có nhiều sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “hồ tiêu Lộc Ninh”, nhãn hiệu chứng nhận “cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “gà thả vườn Thanh Lương” và “nhãn tiêu da bò Thanh Lương”…

Là cây trồng chủ lực của tỉnh Bình Phước, cây điều và ngành chế biến hạt điều góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 lao động, đóng góp 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Ngành điều Bình Phước, từ năm 2020 đến nay luôn duy trì kim ngạch xuất khẩu hạt điều từ 1 – 1,2 tỷ USD/năm, đóng góp 32% năng lực xuất khẩu điều quốc gia; đóng góp khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều. Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất khẩu đi đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó tập trung thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật, Australia, Trung Quốc…
 
Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn GlobalG.A.P cấp cho Hợp tác xã cây ăn trái Long Tân. Ảnh: TTXVN phát

Bình Phước là địa phương đầu tiên trong cả nước có chỉ dẫn địa lý hạt điều. Thương hiệu “Hạt điều Bà Tư Bình Phước” của Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo là một trong những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam cũng như của tỉnh. Năm 2023, thương hiệu đã vinh dự nhận giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Theo ông Trần Văn Sơn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), chỉ dẫn địa lý giống như giấy thông hành cho sản phẩm của doanh nghiệp. Khi sản phẩm hạt điều được gắn chỉ dẫn, có thể đi đến bất kỳ siêu thị hay thị trường nào. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan đánh giá rất cao và tin tưởng các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý.

Hạt điều Bà Tư Bình Phước là sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh an toàn trong tất cả các khâu sản xuất và sản phẩm hoàn toàn không sử dụng hóa chất, phẩm màu độc hại hay các chất bảo quản. Sản phẩm hạt điều Bà Tư đã được bày bán ở nhiều hệ thống siêu thị lớn trong nước như: BigC, AEON, Satra… và nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc…

“Thời gian tới, hạt điều Bà Tư sẽ tiếp tục mở rộng trên thị trường quốc tế. Vì vậy, các sản phẩm có gắn chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước” sẽ giúp người tiêu dùng chọn đúng sản phẩm, đúng chất lượng hạt điều được trồng, thu hoạch và chế biến tại Bình Phước”, ông Trần Văn Sơn chia sẻ.

Là huyện đứng đầu tỉnh Bình Phước về diện tích sản xuất hồ tiêu với hơn 55.000 ha, năng suất năm 2023 đạt hơn 18 tạ/ha, sản lượng khoảng 9.400 tấn. Năm 2013, huyện đã thành lập các câu lạc bộ trồng tiêu sạch trên địa bàn. Nông dân trồng hồ tiêu đã chuyển đổi phương thức canh tác từ trồng tự phát theo hướng truyền thống sang ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, ưu tiên phát triển sản xuất theo hướng sinh học, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.

Qua 10 năm phát triển mô hình, đến năm 2024, trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã thành lập 24 câu lạc bộ với 604 hộ nông dân tham gia. Tổng diện tích sản xuất hồ tiêu của các câu lạc bộ là 645 ha. Tổng sản lượng hạt tiêu khô, tiêu sạch đăng ký cung ứng hàng năm cho Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Bình Phước khoảng 1.176 tấn.
 
Thu hoạch tiêu tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh (Bình Phước). Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh, hồ tiêu Lộc Ninh đạt nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng sản phẩm, đảm bảo việc xúc tiến thương mại có hiệu quả, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt… là tiền đề nâng cao uy tín các sản phẩm trên thị trường trong, ngoài nước. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, đến nay, tỉnh hiện có 48 mã số vùng trồng các loại cây trồng chủ lực với tổng diện tích gần 4.000 ha; trong đó, có 38 mã số vùng trồng sầu riêng. Dự kiến đầu năm 2024 sẽ có thêm 33 mã số cấp mới, nâng tổng số vùng trồng sầu riêng của tỉnh lên 71 mã, với tổng diện tích hơn 2.210ha.

Tỉnh hiện có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) hạng 3 – 5 sao; trong đó, có 3 sản phẩm hạng 5 sao, 58 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao với gần 80 chủ thể đăng ký. Các sản phẩm OCOP khá đa dạng, phong phú chủng loại, gồm 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm như sầu riêng, bơ, bưởi da xanh, mít ruột đỏ, cam, ổi, mít sấy thăng hoa, hạt điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị, chả lụa, bột dế, hạt tiêu... 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống có cồn như: rượu chuối hột, rượu sâm bố chính, rượu đông trùng hạ thảo. Đồ uống không cồn như cà phê nguyên chất, bột ngũ cốc dinh dưỡng, yến sào tinh chế, mật ong, nước uống đóng chai. 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ gồm: mũ, giày, dép (nón) đan len, hoa đan len; hoa khô ngũ sắc để bàn, tranh gỗ nghệ thuật.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để xây dựng thương hiệu nông sản để phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng của sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm Chỉ dẫn địa lý “hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “hồ tiêu Lộc Ninh”, nhãn hiệu chứng nhận “cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “gà thả vườn Thanh Lương” và “nhãn tiêu da bò Thanh Lương”. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); để án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thu thập thông tin, dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc để tiếp cận thị trưởng trên không gian mạng. Mở rộng thị trường truyền thống, xây dựng lòng tin, uy tín với khách hàng. Đẩy mạnh phát triển các thị trường mới có tiềm năng, các nước và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký, tham gia các hiệp định tự do thương mại.

Tỉnh quan tâm phát triển thị trường trong nước thông qua các kênh phân phối truyền thống, các kênh thương mại, thương mại điện tử và đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh lên các sàn giao dịch điện tử, cụ thế: Đối với sản phẩm chế biến chủ lực, tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường quốc tế, trọng tâm là thị trường EU, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu, lòng tin, uy tín với khách hàng, đôi bên cùng có lợi. Đối với thực phẩm nông sản, đẩy mạnh phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng, các nước và vùng lānh thổ mà Việt Nam đã ký kết như Đức, Australia, các nước châu Á... Mở rộng thị trường EU sau khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA)...

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm, chú trọng phát triển thị trường trong nước qua các kênh phân phối truyền thông, các kênh thương mại, thương mại điện từ và đưa các sản phấm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử như: Sàn giao dịch nông sản Bình Phước, Voso.vn, Postmart.vn, Shopee.vn. Lazada.vn, Tiki.vn, Sendo.vn...

Ông Trần Quốc Duy – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước cho biết, Trung tâm chú trọng hợp tác tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu của tỉnh và đưa các sản phẩm này cùng các ấn phẩm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Bình Phước đến Đại sứ quán, Lãnh sự quán Việt Nam ở Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Algeria, Nigeria, Ai Cập, Israel, Iran, Qatar… nhất là các quốc gia thuộc thị trường Halal toàn cầu để trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm nông sản, hàng hóa ở nước sở tại.

Bình Phước còn tạo hệ sinh thái cho sản phẩm nông nghiệp; trong đó, xây dựng các mô hình chuỗi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường. Cụ thể như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ. Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh nông nghiệp đô thị, nông nghiệp du lịch, phát triển các mô hình nông nghiệp sạch.

Các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối sản phẩm nông sản cần tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước trong đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá – marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tạo nên giá trị cốt lõi của mình thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chính chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Bởi, sự chủ động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
 

Tác giả bài viết: Đậu Tất Thành – Nhật Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây