Đa lợi ích từ cây dâu tằm

Thứ năm - 21/11/2024 07:47 25 0
Cây dâu tằm từ lâu đã gắn bó với người dân Việt Nam. Người ta trồng cây dâu tằm để lấy lá nuôi tằm, dệt lụa. Đặc biệt, cây dâu tằm còn là một loại dược liệu quý, được sử dụng trong các bài thuốc dân gian và mang đến nhiều tác dụng cho sức khỏe con người.
Đa lợi ích từ cây dâu tằm
TRỒNG DÂU, NUÔI TẰM

Gia đình bà Hà Thị Hướng ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm được hơn 1 năm nay. Mỗi lứa bà Hướng nuôi 2 hộp tằm, sau 17 ngày nuôi thu được 1 tạ kén. Giá bán hiện 180 ngàn đồng/kg kén, trừ chi phí gia đình bà thu được 16 triệu đồng. Ngoài ra, phân tằm được tận dụng để bón cây dâu, nhờ đó mỗi năm gia đình tiết kiệm được một khoản chi phí mua phân bón.
 
Cây dâu tằm phát triển tốt trên địa bàn huyện Bù Đốp
 
Bà Hướng cho biết, trước đây nuôi tằm rất vất vả nhưng hiện nay nhờ có giống, kỹ thuật và nguồn thức ăn bảo đảm nên nuôi tằm đem lại hiệu quả. Cứ 20 ngày, gia đình bà nuôi 1 lứa tằm. Vất vả nhất là 5 ngày khi tằm ăn rỗi, còn lại thì rất nhàn. Khi tằm làm kén, thương lái đến tận nhà thu mua, nhanh có tiền, lại không lo đầu ra. 

Để tằm phát triển đảm bảo, cần giăng lưới kín xung quanh nhằm tránh ruồi, nhặng chui vào. Cửa ra, vào phải có mành che. Con tằm ít bệnh, tuy nhiên để đạt hiệu quả, người nuôi phải có kinh nghiệm. Nhiệt độ khu vực nuôi luôn ở mức từ 28-30OC. Nếu lạnh phải che chắn, đốt than, thắp điện sưởi ấm; nóng thì tưới nước lên mái nhà nơi nuôi tằm để hạ nhiệt. Thức ăn của tằm phải luôn khô ráo, chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. 

“Nhận thấy nghề trồng dâu, nuôi tằm có triển vọng, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích trồng dâu lên 1 ha và làm thêm nhà nuôi tằm. Nhờ nuôi tằm, 2 vợ chồng già cũng có thu nhập, ổn định kinh tế. Qua 10 lứa nuôi, tôi thấy nếu thời tiết nóng quá hay lạnh quá, tằm đều dễ chết. Vì vậy, mùa mưa tôi làm sàn cách mặt đất khoảng 60cm cho tằm nằm, mùa nắng trải bạt nuôi dưới đất cho tằm mát” - bà Hướng cho hay.    
 
Bà Hà Thị Hướng ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp cho biết, nuôi tằm vất vả nhất là khi tằm ăn rỗi, đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ và phải có kỹ thuật cao
     
Khi thị trường có những tín hiệu tích cực, nhiều hộ dân ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp chuyển sang nuôi tằm. So với nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng dâu thấp, nuôi tằm nhanh cho thu hoạch, giá kén tương đối ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm được đánh giá là giúp giảm nghèo nhanh. Tính đến nay, toàn xã có 8 hộ nuôi tằm lấy kén. 

Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là đầu ra sản phẩm đang khá ổn định, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Bù Đốp hứa hẹn sẽ phát triển, mang lại thu nhập tốt cho người dân địa phương.       

HƯỚNG ĐẾN CÂY DƯỢC LIỆU 

Song song với trồng dâu, nuôi tằm, mô hình trồng cây dâu để làm dược liệu đang được Hợp tác xã (HTX) dược liệu Tân Tiến, huyện Bù Đốp áp dụng. Anh Võ Quốc Trường, Giám đốc HTX cho biết, cây dâu tằm trồng 4 tháng thì thu hoạch, cắt toàn bộ cây bán với giá 2.500 đồng/kg. Sau khi cắt xong, chăm sóc lại khoảng 1 tháng sẽ cho thu hoạch tiếp. Ước tính 1 năm, 1 ha dâu sẽ cho thu khoảng 60 tấn cây. Nếu hái lá thì bán với giá 35 ngàn đồng/kg, chi phí bỏ ra khoảng 30% giá trị doanh thu. “Trồng cây dâu làm dược liệu là mô hình mới ở Bù Đốp. HTX đã được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm, không lo đầu ra. Nếu bà con có nhu cầu trồng dâu làm dược liệu, HTX sẽ hỗ trợ cây giống và kỹ thuật” - anh Trường cho biết.
 
Vườn dâu Hợp tác xã dược liệu Tân Tiến hoàn toàn chăm sóc theo hướng hữu cơ
 
Theo y học cổ truyền, cây dâu tằm có rất nhiều công dụng như bổ can, thận, điều trị đau nhức xương khớp, mất ngủ. Lá dâu có vị đắng, ngọt, tính hàn, có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, chữa ho… Ngoài làm dược liệu, lá dâu còn dùng để chiết xuất tinh dầu, làm mỹ phẩm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, HTX dược liệu Tân Tiến trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ từ khâu làm đất, làm cỏ, bón phân và xịt thuốc. “Tất cả sản phẩm từ cây dâu tằm của HTX đều được bán làm dược liệu. Vì vậy, HTX luôn tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng” - anh Đặng Quốc Tiệp, Phó Giám đốc HTX dược liệu Tân Tiến cho biết.

HTX dược liệu xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh là đơn vị ký kết hợp đồng cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ cây dâu tằm, kén tằm cho nông dân trên địa bàn huyện Bù Đốp và một số địa phương khác. Do vậy, bà con yên tâm khi trồng dâu, nuôi tằm và làm dược liệu: Giám đốc HTX dược liệu xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh HOÀNG MẠNH HÙNG

Trước nhu cầu thị trường về sử dụng các sản phẩm dược liệu ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp, HTX đã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, trong đó có cây dâu. Tuy nhiên đây là mô hình mới, cần có thời gian thử nghiệm. Vì vậy, người  dân phải cân nhắc kỹ trước khi chuyển đổi cây trồng, nếu chưa tìm được đầu ra an toàn.

Tác giả bài viết:  Hiền Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây