Bình Phước là tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, vùng biên giới, miền núi với gần 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có xuất phát điểm thấp khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, xây dựng nông mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, hợp lòng dân, do đó, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nông thôn mới đã hình thành trên thực tế, đáp ứng nguyện vọng người dân nông thôn, ngày càng thu hút sự tham gia của người dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình.
Phong trào rộng khắp trong toàn dân
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, lũy kế đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 73/86 xã được công nhận chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 18,46 tiêu chí. Hiện nay, Bình Phước đang đôn đốc các huyện bổ sung hồ sơ, tiến độ thực hiện để các sở, ngành thẩm định tiến tới họp, xét công nhận 7 xã về đích nông thôn mới năm 2023.
Bình Phước hiện có 3 đơn vị gồm thị xã Phước Long, thị xã Bình Long và thành phố Đồng Xoài được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận. Huyện Lộc Ninh đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình các sở, ban, ngành tỉnh thẩm tra huyện về đích nông thôn mới năm 2024. Huyện Phú Riềng cũng đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Theo ông Phạm Thụy Luân, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới (lũy kế 85/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 98,3% số xã toàn tỉnh vào cuối năm 2024); 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024). Đây cũng là năm đầu tiên Bình Phước phấn đấu 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gồm xã Phước Tín (thị xã Phước Long) và xã Lộc Thái (huyện Lộc Ninh). Huyện Đồng Phú và huyện Lộc Ninh đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã Chơn Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Những ngôi nhà mới xây dựng tại ấp Hiệp Tâm A, xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: TTXVN phát
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước khẳng định hiện nay các xã phấn đấu về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 đang tăng cường, củng cố và giữ vững các tiêu chí đã đạt, đồng thời tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng để đảm bảo đạt các tiêu chí còn lại theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Phước, đạt được những kết quả trên là do UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bình Phước đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Dân chủ ở cơ sở được nâng lên, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân chuyển biến rõ rệt, từ đó, phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện. Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân ở nông thôn.
Đảm bảo chất lượng thẩm định
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền yêu cầu các sở, ban, ngành phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thẩm tra, thẩm định các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và chất lượng đạt chuẩn của Bộ tiêu chí theo quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra, thẩm định và tham mưu công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tránh tình trạng nợ tiêu chí hoặc thiếu các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí. Công tác thẩm tra, thẩm định cần đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của địa phương phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu.
Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định tỉnh tiến hành họp, xét và công nhận đối với các huyện, xã đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện, mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu theo đúng quy định; tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và không cho nợ tiêu chí.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát, đầu tư, hỗ trợ các tiêu chí, chỉ tiêu như: tiêu chí về quy hoạch, môi trường, nước sạch và tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... để đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ tiêu chí và đảm bảo thực chất. Quan tâm, bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình đã đạt chuẩn từ giai đoạn trước đến nay đã xuống cấp để đảm bảo duy trì, nâng cao kết quả đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí và đúng quy định pháp luật. Xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp khắc phục đối với từng vấn đề cụ thể mà nhiều người dân cùng quan tâm, phản ánh thông qua việc giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư.
Bà Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh, Bình Phước sẽ phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh xuống cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành bảo đảm tập trung, thống nhất, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phân công, phân cấp trách nhiệm từng cấp, ngành, thành viên của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, không để tình trạng né tránh nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, tỉnh tăng cường cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các phần việc còn tồn đọng; huy động sự tham gia mạnh mẽ, chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các thiết chế cộng đồng.
Ở góc độ ngành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, tỉnh chọn điểm mang tính chất đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Địa phương nào có điều kiện thuận lợi sẽ tập trung chỉ đạo để về đích sớm, trong đó xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện từng nội dung, tiêu chí, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từ đó phân bổ các nguồn vốn tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.
Ngoài ra, để tháo gỡ những khó khăn về kinh phí xây dựng nông thôn mới, Kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước khóa X đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định một số nội dung, mức hỗ trợ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với trọng tâm như: hỗ trợ hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng trọt; hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn...