Sức lan tỏa của chương trình OCOP thông qua xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 10/03/2024 04:54 637 0
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) địa bàn tỉnh Bình Phước đạt được nhiều kết quả quan trọng với 73/86 xã đạt chuẩn NTM, 21/86 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, sức lan tỏa sâu rộng của chương trình được thể hiện qua sản phẩm OCOP - chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế, nhất là những sản vật, ngành nghề truyền thống tại mỗi địa phương.
Khởi nghiệp từ đông trùng hạ thảo

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư công nghệ sinh học, Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Tiên không chọn trung tâm đô thị lớn mà về thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Đây là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Bình Phước, bởi nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ tạo ra nguồn dược liệu quý đảm bảo sức khoẻ con người mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều xã viên. Và chỉ sau hơn 1 năm xây dựng thương hiệu, nấm đông trùng hạ thảo được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023.

Chị Nguyễn Thị Tiên cho biết, sau đợt dịch Covid-19, sức khoẻ con người cần được ưu tiên hàng đầu nên liên kết với 7 thành viên cùng chung ý tưởng góp vốn thành lập hợp tác xã (HTX) nấm đông trùng hạ thảo Phụ nữ Bình Phước cuối năm 2022. “Mục đích của tôi khi thành lập HTX tại Bù Đốp là để người nông dân được sử dụng với giá rẻ nhằm nâng cao sức khỏe. Bởi sau đợt dịch Covid-19, hệ miễn dịch rất kém nên cần tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe”, chị Tiên chia sẻ.

HTX tuy chỉ có 7 thành viên, nhưng mỗi thành viên đều tuổi đời còn rất trẻ với thế mạnh riêng, người giỏi kỹ thuật, người giỏi truyền thông. Nhờ phát huy sức mạnh tập thể nên sớm đưa HTX đi vào hoạt động ổn định. Mỗi tháng HTX sản xuất cung cấp ra thị trường gần 2.000 hộp nấm, mỗi hộp 10g được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau (đông trùng hạ thảo tươi, đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, rượu đông trùng hạ thảo và trà đông trùng hạ thảo) với giá cả phải chăng, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng.
 
Sản phẩm đông trùng hạ thảo được sản xuất với quy trình khắt khe, đảm bảo về chất lượng và được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023

Nấm đông trùng hạ thảo là một trong những dược liệu được xem là quý hiếm và đắt đỏ hiện nay. Bởi vậy, quy trình sản xuất không hề đơn giải mà cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, âm thanh. Các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng bắt buộc phải đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị tự động để giảm tác động của con người và thời tiết.

Ngoài kỹ thuật nuôi cấy khắt khe thì giống cấy phải mua từ Nhật Bản với giá đắt đỏ, thời gian nuôi hơn 3 tháng mới cho sản phẩm hoàn thiện. Bởi vậy, nấm đông trùng hạ thảo có nhiều công dụng cho sức khoẻ con người, như tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hô hấp, tim mạch, đặc biệt là những bệnh nhân mất ngủ kinh niên, chống khối khu, chống di căn.

“Nấm đông trùng hạ thảo là mô hình mới, đặc trưng cho sản xuất kinh doanh địa bàn huyện. Dù còn khá mới nhưng HTX có nhiều dòng sản phẩm đa dạng, chuyên sâu, đáp ứng thị hiếu người dân. Qua các chứng nhận kiểm định chất lượng, định lượng của các tổ chức, dòng sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX đạt các chỉ số theo quy định, đảm bảo sức khỏe khi sử dụng”, Trưởng phòng NN&PTTN huyện Bù Đốp Trần Văn Thành đánh giá.
 
Là huyện biên giới nhưng nhờ xác định đúng hướng, triển khai sâu rộng, chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động đã thu hút nhiều chủ thể cùng tham gia OCOP. Đến nay, Bù Đốp có 17 sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao, trong đó năm 2023 có 8 sản phẩm được chứng nhận. Hiện Bù Đốp đang gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh chứng nhận thêm 4 sản phẩm tiềm năng hạng 4 sao.

Đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, dù tiến độ triển khai chương trình OCOP toàn tỉnh còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch, đề án đề ra. Cuối năm 2020 mới chỉ 30% huyện, thị xã, thành phố triển khai nhưng đến nay đã có 100% huyện, thị xã, thành phố vào cuộc thực hiện và tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm. Điều đó cho thấy nhận thức và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai chương trình ngày càng tích cực hơn. Các huyện: Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản là những địa phương triển khai chương trình có chiều sâu, hiệu quả, góp phần thúc đẩy xây dựng NTM đạt chuẩn nâng cao.

Đến nay, toàn tỉnh có 78 cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59%, còn lại là kinh tế tập thể. Điều đó cho thấy mục tiêu rất đúng hướng, là cơ sở, thành tố kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Toàn tỉnh đã có 157 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP đạt hạng 3-5 sao. Có 127 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 30 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 10 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ và an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
 
Toàn tỉnh Bình Phước có 157 sản phẩm chứng nhận OCOP hạng từ 3-5 sao, đặc biệt 3 sản phẩm “Hạt điều rang muối”, “Hạt điều nguyên vị”, “Hạt điều nhân trắng” của Công ty Cổ phần Hà Mỵ, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú được chứng nhận OCOP 5 sao cấp Trung ương năm 2023

Thành công quan trọng của Chương trình OCOP là công tác xúc tiến thương mại được Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Hội nông dân… triển khai rất tích cực và hiệu quả. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm đến trung tâm, điểm bán hàng, hội chợ, triển lãm OCOP cấp tỉnh, khu vực với hơn 350 gian hàng dần trở thành thương hiệu địa phương và gắn với điểm đến của du lịch.

Phát triển sản phẩm đặc trưng

Dù đạt nhiều kết quả nổi bật, nhưng Chương trình OCOP vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là một số địa phương chưa thực sự chủ động, tích cực vào cuộc, biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm; nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng.
 
Hiện nay nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày bán tại HTX Bom Bo. Trong ảnh là các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham quan, chụp hình lưu niệm tại HTX Bom Bo Bình Phước
 
Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm thương hiệu OCOP Việt Nam. Năng lực của một số tổ chức kinh tế tham gia OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở NN&PTTN - cơ quan thường trực chương trình OCOP sẽ phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm đẩy mạnh chương trình OCOP, khai thác tiềm năng, đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục xác định OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM bền vững, xem đây là chương trình mang tính dài hạn.

Tập trung đầu tư hỗ trợ phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP đạt cấp tỉnh, cấp quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường xuất khẩu. Phát triển sản phẩm tuyệt đối không chạy theo phong trào, không xuê xoa trong quá trình thẩm định, đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm, bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.

Xây dựng sản phẩm OCOP làm theo quy luật cung cầu, trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn đặc biệt là các HTX, doanh nghiệp, phát huy vài trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bài bản, đồng bộ và thường xuyên; tăng cường quản lý giám sát sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế.

Tác giả bài viết: Vũ Thuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây