Theo báo cáo tại buổi giám sát, cuối năm 2018, toàn tỉnh có 8.614 hộ nghèo, chiếm 3,55% tổng số hộ dân; 6.617 hộ cận nghèo, chiếm 2,73% tổng số hộ dân. Trong đó, 4.545 hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 52,76%; 1.481 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách bảo trợ xã hội, chiếm 17,2%; 22 hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công, chiếm 0,26% tổng số hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,1% còn 3,55% (từ 14.627 hộ giảm còn 8.614 hộ); giảm 1.945 hộ nghèo DTTS. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo ngày càng tăng, từ 44,37% đầu năm 2016 tăng lên 52,76% vào cuối năm 2018. Số hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, chiếm hơn 90%.
Để có được kết quả nêu trên, các sở, ban, ngành tỉnh đã thực hiện đầy đủ dự án, chương trình cho hộ nghèo, hộ DTTS theo quy định. Chương trình 133, giai đoạn 2016-2018, phân bổ vốn 83,416 tỷ đồng, đầu tư cho 9 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã biên giới và 51 thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 65,975 tỷ đồng, số còn lại là hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, giai đoạn 2016-2017, mỗi năm Trung ương hỗ trợ tỉnh 1 mô hình (tối đa 500 triệu đồng/mô hình) tập trung những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm 2018, tỉnh được Trung ương bố trí 971 triệu đồng, sở đã thực hiện 2 mô hình giảm nghèo tại xã Lộc Phú (Lộc Ninh) và xã Phước Tín (Phước Long). Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ hộ nghèo hàng chục tấn phân bón, thuốc trừ cỏ, sâu, bệnh; hỗ trợ hàng chục ngàn con gia súc, phòng chống bệnh lở mồm long móng... Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh còn có sự chung tay đóng góp của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và chính các hộ nghèo. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã vận động xây dựng 1.641 căn nhà tình thương, đại đoàn kết cho hộ nghèo, tổng trị giá 82,686 tỷ đồng; huy động người dân đóng góp 207 triệu đồng thực hiện các mô hình giảm nghèo.
Theo đánh giá, các chính sách, dự án giảm nghèo có nguồn đầu tư ngày càng tăng, huy động được nhiều nguồn lực và triển khai có hiệu quả, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ chính sách giảm nghèo chưa cao, chủ yếu nguồn vốn là Trung ương, ngân sách địa phương còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo DTTS cao; hộ nghèo, hộ thu nhập thấp còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo.
Các thành viên đoàn giám sát đã yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực về thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo của tỉnh bổ sung số liệu nguồn vốn vay ưu đãi; giải trình thêm về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND ngày 28-12-2016 về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016-2020? Việc chọn xã điểm để thực hiện chuyên sâu gắn với xây dựng nông thôn mới; vai trò của người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo; công tác tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị sơ kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm cũng như đề ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới của đơn vị?...
Sau khi nghe giải trình của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng chí Trần Tuyết Minh ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác giảm nghèo trong thời gian qua. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế đáng băn khoăn, như tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong vùng đồng bào DTTS có xu hướng tăng hằng năm; tỷ lệ hộ nghèo một số xã có giảm nhưng vẫn còn cao; vai trò “nhạc trưởng” của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong tham mưu đề xuất có lúc chưa tốt; công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bám sát Quyết định số 1059 của UBND tỉnh để thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND tỉnh; phối hợp các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong công tác giảm nghèo bền vững...