Phải tích hợp chính sách, bộ máy và nguồn lực để xóa nghèo

Thứ sáu - 31/05/2019 06:18 604 0
Muốn giảm nghèo bền vững phải tích hợp chính sách, tích hợp tổ chức bộ máy điều hành thống nhất và cả tích hợp nguồn lực theo tinh thần đây là đề xuất của Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh sáng nay 31/5 khi thảo luận tại hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường Diên Hồng sáng 31/5
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh phát biểu tại hội trường Diên Hồng sáng 31/5
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, tuy nền kinh tế đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động từ bên ngoài và từ nội tại của nền kinh tế, song những khó khăn này nằm trong thế tiến, thế phát triển chứ không phải là sự bế tắc. Do vậy, Chính phủ cần dự báo tốt tình hình để tạo thế chủ động hơn trong điều hành kinh tế vĩ mô, tạo đà vững chắc cho tăng trưởng kinh tế  năm 2019 và những năm cuối nhiệm kỳ.

Về giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất cần phải tích hợp từ chính sách, tổ chức bộ máy đến nguồn lực. Đồng thời nghiên cứu áp dụng mô hình điều hành của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho chương trình giảm nghèo bền vững.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nêu một thực tế là hiện nay có 178 chính sách, chúng ta mới thực hiện được 5 văn bản tích hợp liên quan đến lĩnh vực giáo dục và trợ giúp pháp lý; bãi bỏ 3 văn bản liên quan đến giảm nghèo là chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện còn rất chồng chéo, bất cập, hiệu quả thấp.

Theo Quyết định 41/2016/TTg, quy định Trung ương thành lập Văn phòng giảm nghèo quốc gia là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban chỉ đạo Trung ương.  Còn ở các địa phương quy định theo cơ chế mở, có thể thành lập văn phòng thường trực cấp tỉnh hoặc giao cho sở chuyên ngành phụ trách quản lý, vì vậy các địa phương áp dụng không có sự thống nhất. Hiện tại chỉ có 10 tỉnh, thành có thành lập văn phòng thường trực cấp tỉnh giúp việc Ban chỉ đạo giảm nghèo, còn lại 53 tỉnh, thành là giao cho sở chuyên ngành phụ trách. Tuy nhiên, dù áp dụng cơ chế nào thì nguồn lực vẫn không tập trung, chưa tích hợp được. Vì vậy, phải tích hợp tổ chức bộ máy điều hành thống nhất.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có rất nhiều cơ quan, bộ, ngành phụ trách, nguồn lực được phân bổ theo các tiểu dự án phân tán, dàn trải, khó kiểm soát. Do đó, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề nghị phải tích hợp nguồn lực, phải được thực hiện ngay để khắc phục những bất cập trên.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh thì trong thực tiễn chúng ta đã có kinh nghiệm điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức thực hiện chương trình đã rất thành công trong cả nước, nên cần vận dụng, áp dụng phù hợp như cơ chế này. Tức là phải thống nhất thành lập văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ trung ương đến địa phương.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế cho phép địa phương sử dụng nguồn vượt thu để ưu tiên đầu tư trở lại cho công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là trong đồng bào DTTS, miền núi. Đồng thời, trên cơ sở nguồn lực tập trung đầu tư của trung ương phân bổ cho các địa phương, Chính phủ có cơ chế phân cấp, giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương thiết kế chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, miền chứ không nên cào bằng.

Ngoài các giải pháp trên, trong phiên thảo luận, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cũng đề xuất các giải pháp xử lý nợ đọng thuế, đồng thời mong muốn Chính phủ sớm có giải pháp để khắc phục các tồn tại để tạo niềm tin, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo nền tảng để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm nay, chuẩn bị bước vào năm cuối của kế hoạch 5 năm với một tâm thế mới.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội được tổng hợp đầy đủ và sẽ được gửi đến Chính phủ để tiếp thu và tổ chức thực hiện./.

Tác giả bài viết: Trần Thể

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây