Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận trên địa bàn thành phố Đồng Xoài

Thứ ba - 24/10/2023 18:45 693 0
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, thành phố Đồng Xoài đã vận động nhân dân hiến 45,2ha đất, làm đường giao thông, lắp đặt 805 camera an ninh, xây dựng 166 tuyến "sạch, xanh, sáng, đẹp, an toàn", trị giá 542,5 tỷ đồng; thành lập và duy trì hoạt động 411 tổ an ninh nhân dân, 307 tổ tự quản, 52 tổ hòa giải với 382 hòa giải viên hoạt động hiệu quả, 14 chốt an ninh quốc phòng và 31 tổ bảo vệ dân phố… góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng nhằm tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính vì vậy, ngay sau khi ra đời, Đảng ta đã tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Trải qua các giai đoạn lịch sử, công tác dân vận luôn được Đảng chăm lo, đổi mới, đa dạng hóa các phương thức tập hợp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phong trào quần chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ.

Đảng và Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản về công tác dân vận như: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh của Mặt trận, các đoàn thể… Đặc biệt là Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, trong đó xác định rõ: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”. Một lần nữa Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò hết sức quan trọng của công tác dân vận và xác định rõ đây là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. 

 
Nhân dân phường Tân Bình hiến đất, bàn giao mặt bằng để thi công đường Vành đai phía Nam
(nguồn:
https://dongxoai.binhphuoc.gov.vn/)

Thành phố đã triển khai nhiều phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; Chương trình hành động của Thành ủy về "Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là các tuyến đường giao thông đô thị, giao thông khu phố, ấp", về “Xây dựng đô thị kỷ cương, văn minh - công dân gương mẫu, tự giác”; Đề án giải tỏa hành lang bảo vệ suối Đồng Tiền, suối Cái Bè và suối Tầm Vông; thông tuyến các trục đường lớn như Phan Bội Châu, Trường Chinh, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt... bằng những phương pháp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, công tác dân vận của thành phố phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” qua đó đảm bảo hài hòa lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân, với sự phát triển chung của thành phố, được nhân dân hưởng ứng tham gia.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Việc phố, việc làng đất vàng cũng hiến” đi vào chiều sâu, qua đó vận động Nhân dân hiến 45,2 ha đất, trị giá 542,5 tỷ đồng; việc tổ chức Liên hoan các Câu lạc bộ, Đội - Nhóm thiện nguyện và phát động ủng hộ Quỹ “Những trái tim hồng” hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Thực hiện Chương trình mỗi khu phố, ấp 01km đường "Sạch, Xanh, Sáng, Đẹp, An toàn" được triển khai 166 tuyến, với tổng chiều dài 95,56km. Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thành phố đã hoàn thành chương trình 1000 camera, trong đó vận động xã hội hóa lắp đặt 805 camera an ninh trị giá 4,025 tỷ đồng; thành lập và duy trì hoạt động 411 tổ an ninh nhân dân, 307 tổ tự quản, 52 tổ hòa giải với 382 hòa giải viên hoạt động hiệu quả, 14 chốt an ninh quốc phòng và 31 tổ bảo vệ dân phố… nhiều mô hình, điển hình được nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội.


Qua công tác đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố Đồng Xoài cho thấy nơi nào cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị nhận thức đúng về vai trò, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác dân vận, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì nơi đó tạo được sự đoàn kết và đồng thuận cao của Nhân dân trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.

Do đó, để phát huy hơn nữa sức mạnh của nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vai trò của Nhân dân và công tác dân vận.

Trong phát triển kinh tế - xã hội phải chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết công việc liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những cán bộ thường xuyên trực tiếp làm việc, giao tiếp với Nhân dân. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và học tập phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, gắn công tác dân vận với triển khai các chương trình, đề án, dự án tại địa phương và công khai, minh bạch để Nhân dân biết, giám sát thực hiện.

Không ngừng đổi mới công tác dân vận, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tương tác với người dân, đẩy mạnh chuyển đổi số phù hợp với điều kiện phát triển, trình độ dân trí và môi trường sống của các tầng lớp nhân dân; chủ động nắm chắc tình hình dư luận xã hội; vận động nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tạo đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc, tiêu cực, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Qua đó nâng cao hơn nữa uy tín để đoàn kết, tập hợp đoàn các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.

Tác giả bài viết: An Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây