Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, chính sách của nhà nước trong đặc xá tại Điều 6 của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) chưa thật cụ thể, chưa làm rõ mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng và không tái phạm tội.
Trong Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá vẫn chưa thấy rõ các chính sách hỗ trợ cụ thể nào của Nhà nước cho công tác tái hòa nhập cộng đồng, mà các nội dung thực hiện rất chung chung. Mặc dù có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành nhưng chưa có tiêu chí nào đánh giá mức độ tham gia của các cơ quan đến đâu.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nêu ra một thực tế là hiện nay là đa số người chấp hành xong án phạt tù nói chung và người được đặc xá nói riêng có điều kiện kinh tế rất khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gần như không có nguồn vốn để sản xuất hay làm kinh tế, nếu không được quan tâm hỗ trợ vay vốn sẽ vô cùng khó khăn. Do vậy, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất với Quốc hội, đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định ngay trong Điều 6 của luật chính sách được tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn và giải quyết việc làm để việc triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả.
Theo báo cáo của Bộ Công an, đa số người được đặc xá về địa phương đều có việc làm ổn định, trong gần 86.000 người được đặc xá thì có 50.000 người có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống, tỉ lệ tái phạm tội thấp, khoảng 1.000 người. Đây là điều đáng vui mừng nhưng đại biểu Tôn Ngọc Hạnh vẫn chưa thật sự yên tâm vì còn khoảng hơn 30.000 không biết đi đâu về đâu. Theo báo cáo của các tỉnh thành đã công bố thì số không có việc làm rất lớn và tỉ lệ tái phạm tội không phải là thấp, có tỉnh lên đến 10 - 15%. Một số tuy có việc làm nhưng chủ yếu là làm thuê thời vụ không ổn định, thu nhập thấp, không thể trang trải được cho cuộc sống bản thân. Nguyên nhân chính là sự kỳ thị của xã hội vẫn còn nặng nề, tâm lý chung của các công ty doanh nghiệp không muốn nhận người có tiền án vào làm việc. Vì vậy, nhiều người sau khi được đặc xá không về địa phương, bỏ đi nơi khác sinh sống để không còn ai biết về quá khứ của mình.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho biết, tại Đức và Ba Lan, họ có nhiều trung tâm, cơ sở sản xuất của Nhà nước và tư nhân, chủ yếu nhận đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá vào học nghề, làm việc. Với địa chỉ được công bố rộng rãi, kêu gọi các đối tượng đến đăng ký, họ tập hợp đối tượng rất tốt và được công tác tái hòa nhập cộng đồng cũng thuận lợi và hiệu quả hơn, vì đây là những người có chung hoàn cảnh, dễ đồng cảm, dễ chia sẻ với nhau.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu và vận dụng mô hình này phù hợp với điều kiện thực tế đất nước. Hiện nay, một vài cơ sở dịch vụ sản xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng mô hình này song vẫn ở phạm vi rất nhỏ lẻ. Vì thiếu cơ chế, chính sách động viên để các đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay giúp đỡ các đối tượng, đó là những lý do cơ bản, do vậy, chính sách hỗ trợ vay vốn và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù cần được luật hóa./.