Đại biểu Phan Viết Lượng cho biết, cử tri rất bức xúc trước tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường và gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp trong thời gian qua. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết nguyên nhân tình trạng này và giải pháp để kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, chế tài nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật.
Cảm ơn đại biểu Phan Viết Lượng khi nêu vấn đề xã hội rất bức xúc hiện nay, đó là vi phạm pháp luật môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, nguyên nhân là do năng lực kiểm tra, giám sát, kiểm soát chưa đầy đủ, chưa đưa ra được những yêu cầu về giám sát, kiểm soát thường xuyên, công nghệ của một số doanh nghiệp không đáp ứng với tiêu chuẩn hiện nay.
Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận là thanh tra, kiểm tra hiện nay không hiệu quả, thông báo đến thì doanh nghiệp có thể chạy hết công suất của công nghệ xử lý nhưng khi chúng ta về thì ban đêm có thể doanh nghiệp tắt máy... Do vậy, sắp tới công việc này cũng cần phải thay đổi để không phải thực hiện thanh tra thường xuyên mà cần thanh tra đột xuất trên cơ sở phát hiện của người dân. Biện pháp cuối cùng là nếu đánh giá doanh nghiệp vi phạm một vài lần và trên thực tế công nghệ về sản xuất không thể khắc phục được, trong trường hợp đó thì đình chỉ hoạt động. Trong tương lai, Bộ TN-MT sẽ phân dòng các loại đầu tư, từ công nghệ sản xuất, sau đó mới quan tâm đến vấn đề giám sát, kiểm soát.
Nêu ra một thực tế là nhiều địa phương, cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước buông lỏng quản lý, để hoang, sử dụng sai mục đích nhiều khu đất có giá trị..., đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ TN-MT đã và sẽ làm gì để góp phần khắc phục những hành vi vi phạm quản lý đất trong thời gian qua? Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận có nhiều hạn chế về quản lý đất đai, đây chính là yếu kém hiện nay trong quản lý đất đai. Bộ trưởng cho rằng, để tăng cường biện pháp quản lý, Trung ương và địa phương cần phải sớm xem xét, rà soát lại quỹ đất, sử dụng đất, các quy định hiện hành.