Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về kết quả thực hiện, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã nêu bật những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất
Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng. Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu. Giai đoạn từ 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồ họa: Văn Chung
Về tổ chức sản xuất nông nghiệp, Nghị quyết đã nêu: Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện; tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần, thị trường tiêu thụ được mở rộng, xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao.
Chúng ta có thể thấy rõ, trong nội ngành nông nghiệp, cơ cấu chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ. Một số ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ thuận lợi tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng, xuất khẩu. Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ được triển khai thực hiện hiệu quả hơn. Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao, khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: gạo, cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, tôm, cá tra, đồ gỗ, trái cây nhiệt đới.
Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Số hộ nông thôn hoạt động công nghiệp, xây dựng và dịch vụ năm 2020 chiếm 45% (tăng 10,59% so với năm 2011). Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm thương mại - dịch vụ ở nông thôn, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản được đầu tư và đi vào hoạt động, hằng năm giải quyết việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, trong đó gần 70% từ khu vực nông thôn.
Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, số lượng, chủng loại máy, thiết bị tăng nhanh. Công nghiệp chế biến nông sản ngày càng phát triển. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực. Dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật, cấp nước sạch, môi trường, thương mại, cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản.
Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển, có xu hướng chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Năm 2020, số hộ làm nông nghiệp chiếm 51,6% tổng số hộ nông thôn (năm 2011 chiếm 62,2% ).
Công nhân đóng gói hạt điều tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sản xuất thương mại Đức Thịnh (tại xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Ảnh: K GỬIH - TTXVN
- Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, về đích sớm hơn so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Trong hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động được nguồn lực lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2008 - 2020 là 1.567 nghìn tỷ đồng (cho sản xuất nông nghiệp 611 nghìn tỷ đồng, nông thôn 956 nghìn tỷ đồng); trong 5 năm 2016 - 2020 khoảng 942 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,9 lần so với 5 năm 2011 - 2015.
Nông thôn đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, điều kiện sinh sống của người dân nông thôn được cải thiện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. Nông thôn khang trang, văn minh hơn. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố. Thu nhập và điều kiện sống của cư dân nông thôn được cải thiện và nâng cao. Đến năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 62,4%), có 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nông thôn mới; 04 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao, tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới, dần thích ứng với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Quá trình tổng kết cho thấy, trong 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cả nước có gần 10 triệu người được học nghề, trong đó có 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo. Riêng đối với đào tạo nghề nông nghiệp, cả nước đã đào tạo được 2,84 triệu người. Năng lực làm chủ của nông dân, cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn; phát huy dân chủ ở nông thôn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần). Tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn được chú trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng với các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xây dựng gia đình văn hóa”… tạo ra cuộc sống tinh thần mang tính cộng đồng cao, duy trì phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước tốt đẹp của nhân dân.
Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta ngày càng được củng cố, nâng cao. Năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được nâng cao, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Công tác xây dựng Đảng ở nông thôn có nhiều đổi mới; tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở ở nông thôn ngày càng được củng cố và tăng cường.
Những tồn tại, hạn chế, yếu kém
Bên cạnh những thành tựu đạt được, tình hình thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW vẫn tồn tại, hạn chế, yếu kém, đó là:
Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Số liệu thực tế cho thấy, tăng trưởng của ngành trong những năm gần đây có xu hướng giảm (bình quân giai đoạn 2008 - 2020 đạt 3,01%/năm), chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết đề ra (3,5 - 4,0%/năm). Năm 2020, năng suất lao động nông nghiệp năm 2020 đạt 52,27 triệu đồng/người, chỉ bằng 44,52% năng suất lao động toàn xã hội. Năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam bằng 40% của Thái Lan, 30% của Trung Quốc.
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào sử dụng nhiều tài nguyên, lao động, vật tư đầu vào; một số ngành còn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn chưa đạt yêu cầu. Tính bền vững chưa cao, cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp chế biến phát triển chậm, hiệu quả sản xuất và giá trị gia tăng còn thấp, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường, nhất là một số thị trường nhập khẩu lớn. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế.
Quan hệ sản xuất chậm đổi mới. Kinh tế hộ quy mô nhỏ vẫn là chủ yếu ; kinh tế trang trại, hợp tác xã phát triển chậm ; doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn quy mô nhỏ, chưa phát huy được vai trò chủ đạo trong các chuỗi giá trị sản xuất.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.
Lao động nông thôn trình độ còn thấp, đang có xu hướng già hóa (nhóm tuổi từ 50 trở lên gia tăng từ 10,4% năm 2006 lên 15,2% năm 2011 và 26,9% năm 2020). Chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tuy có cải thiện, nhưng hiệu quả chưa cao. Năm 2020, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (tính cả không có bằng, chứng chỉ) đạt 44,5%, thấp hơn mục tiêu Nghị quyết đề ra là trên 50%.
Thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ giới hoá nông nghiệp chưa đồng bộ. Công tác dự báo, thông tin về thị trường sản xuất, tiêu thụ nông sản còn hạn chế.
Đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thấp hơn so với yêu cầu, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết, 5 năm sau chỉ tăng 1,9 lần so với 5 năm trước (yêu cầu của Nghị quyết là tối thiểu tăng gấp 2 lần). Huy động từ các nguồn khác còn thấp, đầu tư xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 5,84% tổng đầu tư của xã hội cho nền kinh tế và có xu hướng giảm. Cơ giới hóa chưa đồng bộ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm , nhất là ở khâu bảo quản và chế biến sâu (năm 2020, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 40%). Tổn thất sau thu hoạch còn cao , tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch của lúa gạo từ 10 - 12%.
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; lao động nông thôn có xu hướng già hoá; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy, năng suất lao động nông nghiệp mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn thấp hơn so với khu vực công nghiệp và dịch vụ. Công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển, chưa tạo được nhiều việc làm; cơ cấu lại lao động nông thôn còn gặp nhiều bất cập; tình trạng Ly nông – Ly hương diễn ra ở nhiều nơi. Chênh lệch thu nhập nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn cao. Năm 2020, thu nhập bình quân/người/tháng ở nông thôn đạt 3,48 triệu đồng bằng 62,84% thu nhập ở khu vực thành thị (5,54 triệu đồng).
Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức đến phát triển sản xuất, tạo sinh kế, xây dựng đời sống văn hoá; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thực tế tại nhiều địa phương là hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, điện...) còn thiếu đồng bộ; hạ tầng thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, thích ứng biến đổi khí hậu. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục và văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn thiếu và yếu.
Văn hóa truyền thống có lúc, có nơi bị mai một, pha tạp, làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tệ nạn xã hội nhiều nơi gia tăng, trật tự an toàn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, phát sinh nhiều vấn đề bức xúc. Chất lượng y tế, giáo dục ở nông thôn còn nhiều hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...
Quản lý và khai thác tài nguyên chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguồn lực đất đai chưa được phát huy, sử dụng còn lãng phí, kém hiệu quả, chất lượng đất nông nghiệp bị suy giảm; quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp kém hiệu quả. Chất lượng nguồn nước suy giảm. Ô nhiễm môi trường làng nghề, điểm công nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, cơ sở chăn nuôi chậm khắc phục.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém:
Nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thật đầy đủ, đúng mức, nên có lúc, có nơi cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền còn thiếu chủ động, trông chờ, ỷ lại, chưa sâu sát, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống dịch vụ công chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số cơ chế, chính sách chậm ban hành, chưa sát thực tiễn, thiếu nguồn lực thực hiện, chậm sửa đổi, bổ sung, nhất là về đất đai, đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, tổ chức sản xuất. Đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa cao.
Nông nghiệp, nông dân là vấn đề chiến lược, luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nghị quyết 26-NQ/TW ra đời hợp lòng dân, sát thực tiễn, tính khả thi cao, tạo được cảm hứng của cả hệ thống chính trị. Sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện rất bài bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, của các cơ quan Nhà nước đã thúc đẩy tính tích cực của các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban, bộ, ngành Trung ương tạo ra bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động và đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Nông nghiệp trong nhiều năm liền được nhắc đến như là trụ đỡ của nền kinh tế. Thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đạt được trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi lớn, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ trương hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội XIII đề ra, đòi hỏi phải tăng cường nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ mới để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bài 2: Quan điểm của Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045