Giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 13/12/2023 10:55 1.566 0
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách lớn của Nhà nước, nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu sắc, toàn diện về kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội ở nông thôn mới. Chương trình này đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Từ thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian qua, một kinh nghiệm được rút ra là phải phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân để có nguồn lực mạnh mẽ

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới thể hiện ở chỗ người dân chính là người tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình. Vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương chỉ là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt. Điều này thể hiện quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và tư tưởng của Hồ Chí Minh “lấy sức dân để làm lợi cho dân”. Phải phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới vì nguồn lực của Nhà nước rất hạn hẹp trong khi đó nguồn lực từ trong nhân dân rất dồi dào, phải huy động tối đa các nguồn lực mới có thể đem lại thành công của chương trình. Nguồn lực của nhân dân cần huy động ở đây không chỉ là tiền của, công sức mà còn cả trí tuệ. Xây dựng nông thôn mới phải phát huy vai trò chủ thể của người dân còn vì đây là quá trình nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới thì sớm đạt đích xã nông thôn mới và ngược lại.

Các tiêu chí của xã nông thôn mới được thực hiện giống nhau trên phạm vi toàn quốc. Để trở thành một xã nông thôn mới, phải đạt được rất nhiều tiêu chí với sự phấn đấu, nỗ lực trong một thời gian dài, do đó cần có một chương trình, kế hoạch với những lộ trình, biện pháp, cách làm cụ thể. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những điểm xuất phát khác nhau, có những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội không giống nhau nên có những biện pháp, cách thức riêng. Để những biện pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với mỗi địa phương thì chính người dân ở địa phương đó phải là người tham gia bàn bạc, quyết định. Chỉ có phát huy trí tuệ, sự sáng tạo của nhân dân trong xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể, mới khơi dậy được những cách làm hay, mới rút ngắn con đường đạt đích nông thôn mới.

Chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy chỉ có phát huy vai trò chủ thể  của người dân mới đảm bảo sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Để làm được điều này đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương phải không ngừng đổi mới, sáng tạo thực hiện hiệu quả các giải pháp sau:

Thứ nhất, Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trrị - xã hội ở địa phương phải thực hiện tốt công tác dân vận. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông, vận động để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới (người dân vừa là người thực hiện vừa là người thụ hưởng), về mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của chính người dân nông thôn. Do đó, cần khơi dậy ở người dân tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Thi công đường giao thông nông thôn ở Bình Phước

Thứ hai, để người dân thực sự là chủ thể, cần khẳng định và tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để người dân chủ động tham gia. Thực hiện tốt các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thực sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình. Người dân phải được tham gia ngay từ đầu việc lựa chọn những nội dung, công trình được cộng đồng cho là bức xúc nhất liên quan đến đời sống và sản xuất. Khi đó người dân trong cộng đồng mới thấy mình là người chủ thực sự đối với các hoạt động phát triển trong cộng đồng, từ đó sẽ tự nguyện, chủ động đóng góp các nguồn lực để thực hiện các hoạt động đó.

Thứ ba, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hiệu lực quản lý điều hành của chính quyền cơ sở. Củng cố tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Cán bộ chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phải gương mẫu trong việc đóng góp tiền của, ngày công trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời phải huy động sức dân một cách vừa phải, từng bước, phù hợp với điều kiện từng hộ gia đình, tránh tình trạng áp đặt hay nóng vội.

Thứ tư, xây dựng và thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao vai trò của người dân. Chú trọng các quy định những điều dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cả về nội dung và phương thức thực hiện, trong đó cần tập trung nhiều hơn, cụ thể và rõ ràng hơn vào  nội dung kinh tế. Những vấn đề về công khai, thu chi ngân sách, về những khoản đóng góp của dân, về đầu tư, hỗ trợ phát triển của Nhà nước qua các chương trình dự án phải được sáng tỏ, minh bạch qua các kênh thông tin cho dân biết, kể cả việc các đại biểu do dân trực tiếp cử ra để tham gia thường xuyên vào các hoạt động triển khai dự án ở nông thôn. Cần phải xử lý công khai, nghiêm túc những trường hợp vi phạm, tuyệt đối không có ngoại lệ với những sự bao che... gây mất lòng tin trong nhân dân.
 
Người dân xã Phú Trung, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) tham gia dọn vệ sinh, trồng hoa trên các tuyến đường làng ngõ xóm

Thứ năm, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”, “chung sức xây dựng nông thôn mới” với các hình thức hiệu quả. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức thực hiện hiệu quả các đợt dân vận tập trung với chất lượng cao hơn, toàn diện hơn, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia hơn. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra các nội dung xây dựng đời sống văn hóa ở từng địa phương. Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới; biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng và hiệu quả các thiết chế văn hóa, khuyến khích, động viên các lực lượng tham gia, kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục ở nông thôn. Tăng cường xã hội hóa, quán triệt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục. Xây dựng môi trường văn hóa, đội ngũ cán bộ văn hóa thông tin cơ sở,… thực hiện dân chủ hoá đời sống tinh thần ở nông thôn. Duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Quản lý khai thác tốt các thiết chế văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng và hiệu quả khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, hiện đại giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội, nhất là ở nông thôn.

Việc xây dựng thành công chương trình nông thôn mới sẽ thực sự tạo ra bộ mặt mới cho nông thôn, nâng cao đời sống của một bộ phận lớn người dân Việt Nam. Để làm được điều đó, việc phát huy vai trò chủ thể của người dân ở địa phương là một tất yếu. Vấn đề quan trọng là tìm những cách làm hay nhằm khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân. Những giải pháp nêu trên là những gợi ý ban đầu để cán bộ chính quyền, đoàn thể ở địa phương có thể tham khảo trong quá trình hướng dẫn, tổ chức xây dựng nông thôn mới ở địa phương mình./.

Tác giả bài viết: Minh Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây