Hiện cả nước đang thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trên cơ sở triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu theo quy định tại các Thông tư hướng dẫn của các Bộ ngành trung ương, để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 55).
1. Quy định chung về nội dung và mức chi một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Bổ sung quy định việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22/6/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
Chi thông tin, tuyên truyền bằng xuất bản phẩm, các loại hình báo chí, tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình biểu diễn khác: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ; Thông tư số 42/2020/TT-BTTTT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20/4/2018 ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình; số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24/4/2020 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh và số 18/2021/TT-BTTTT ngày 30/11/2021 ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động báo in, báo điện tử.
Chi điều tra, khảo sát, thống kê nội dung chuyên môn thuộc Chương trình: Nội dung và mức chi theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư số 109/2016/TT-BTC (được sửa đổi bổ sung tại Điều 1 Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22/6/2022 sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 3 và Mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC).
Chi hội thảo trong nước, chi các hoạt động mang tính chất nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình theo quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 và Điều 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và Thông tư số 02/2023/TT- BKHCN ngày 08/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn một số nội dung chuyên môn phục vụ công tác xây dựng dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.
2. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025: hướng dẫn thực hiện 10 Dự án của Chương trình (thay thế Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025)
Công tác tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: chi biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC, các cơ quan, đơn vị chủ trì biên soạn chương trình, giáo trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng quyết định nội dung và mức chi cho phù hợp với từng chương trình bồi dưỡng.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch:
Bổ sung mức chi thù lao cho nghệ nhân, người thực hành (am hiểu về văn hóa truyền thống, có khả năng hướng dẫn, truyền dạy trong cộng đồng) tham gia hướng dẫn, tập huấn, truyền dạy: 300.000 đồng/người/buổi. Số ngày hỗ trợ theo quyết định của cơ quan được giao nhiệm vụ và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (nếu có); đảm bảo trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.
Bổ sung nội dung hỗ trợ chống xuống cấp di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số: Mức hỗ trợ theo quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền; đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều chỉnh mức hỗ trợ trang thiết bị tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: tối đa 30 triệu đồng/Nhà văn hóa hoặc khu thể thao cấp thôn.
Sửa chữa các công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế: điều chỉnh mức hỗ trợ đặc thù tối đa 10 triệu đồng/hộ/năm về hỗ trợ giống, chuồng trại, một số vật tư đầu vào để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, vắc xin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm.
Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện theo Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023 – 2025. Giá đặt hàng căn cứ trên mức giá tối đa các ấn phẩm do Bộ Tài chính thông báo, Ủy ban Dân tộc quyết định mức giá cụ thể đối với từng ấn phẩm.
3. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: hướng dẫn thực hiện 07 Dự án của Chương trình (thay thế Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025)
Bổ sung quy định mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp, gồm chi phí đào tạo: Tối đa bằng mức hỗ trợ đào tạo nghề cho người thuộc hộ cận nghèo (2,5 triệu đồng/người/khóa học); Hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại: Thực hiện theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC.
Đối với mức chi hỗ trợ kết nối việc làm thành công là 400.000 đồng/người lao động tìm được việc làm, nếu đã được chi từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, từ các chương trình, dự án, đề án khác thì không được sử dụng và quyết toán kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia.
4. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: hướng dẫn thực hiện 07 Dự án của Chương trình (thay thế Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025)
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: nội dung chi hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được thay đổi sang nội dung chi hỗ trợ thành lập, củng cố các tổ chức thủy lợi cơ sở là Hợp tác xã và tổ hợp tác. Nội dung và mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo quy định tại Điều 6 Thông tư 124/2021/TT-BTC ngày 30/12/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý, sử dụng kinh phí Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bổ sung quy định về chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, bao gồm: Chi thuê chuyên gia, chi vận chuyển và bảo quản sản phẩm dự thi; Chi họp Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chi họp Hội đồng đánh giá, phân hạng các cấp; chi cho hoạt động của Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng theo mục b, khoản 4, Phụ lục II Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ); Chi công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở; công tác tổ chức Hội nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, quy định cụ thể mức chi giải thưởng cho các sản phẩm đạt sao: giải thưởng đạt 5 sao là 15 triệu đồng/giải, 4 sao là 15 triệu đồng/giải; 3 sao là 10 triệu đồng/giải; 8 triệu đồng/giải.
Chi bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn thực hiện theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/72022 của Thủ tướng Chính phủ, quy định một số nội dung chi cụ thể như sau: Chi hỗ trợ rà soát, công nhận các làng nghề truyền thống (điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các làng nghề truyền thống chưa đáp ứng được tiêu chí công nhận) và chi tổ chức đào tạo, truyền nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Chi nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở: thực hiện hỗ trợ mua sắm thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã tối đa là 80 triệu đồng/thiết chế và Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn tối đa là 30 triệu đồng/thiết chế, không thực hiện hỗ trợ trung tâm văn hóa tỉnh và trung tâm văn hóa huyện. Chi hỗ trợ xây dựng tủ sách xã là 30 triệu đồng/ 01 tủ sách và tủ sách thôn là 20 triệu đồng/ 01 tủ sách, không hỗ trợ thư viện tủ sách cấp huyện.
Bổ sung quy định chi xây dựng mô hình về thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn; mô hình cộng đồng dân cư không rác thải nhựa theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chi xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải hữu cơ, chất thải nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải nhựa theo nguyên lý tuần hoàn; giảm thiểu phát thải chất thải nhựa.
Bổ sung quy định mức chi họp hội đồng thẩm định đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định tại điêm a khoản 1 Điều 6 Thông tư số 03/2023/TT-BTC, trong đó Hội đồng thẩm định cấp thôn và xã áp dụng tối đa bằng 50% mức chi theo quy định.
Đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia này, UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo quyết liệt rà soát danh mục các dự án thực hiện, đảm bảo hiệu quả, đánh giá khả năng giải ngân để điều chỉnh, quyết định kịp thời; chú ý phân cấp quản lý đầu tư nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún; đẩy mạnh công tác phối hợp hoạt động giữa các sở, ngành, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; tích cực chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm với các tỉnh, thành phố có kết quả triển khai thực hiện tốt để có cơ chế, giải pháp điều hành phù hợp tình hình thực tiễn và đặc thù của địa phương; quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023.