Với đặc thù địa bàn rộng, dân sống thưa, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đông, trình độ hạn chế, thu nhập thấp, hạ tầng chậm phát triển, là những nguyên nhân khiến việc đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã đặc biệt khó khăn khó về đích đúng lộ trình đề ra. Đó cũng là lý do mà năm 2023 khi được chọn về đích NTM, xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh được quan tâm đầu tư kinh phí lớn từ nhiều nguồn. Vấn đề còn lại là làm thế nào để về đích đúng hẹn khi quỹ thời gian năm 2023 không còn nhiều.
Quan tâm đầu tư lớn
Lộc Phú có 54km đường giao thông liên xã, liên ấp, ngõ, xóm, trong đó nhiều tuyến kết nối thông thương giữa các khu dân cư DTTS khó khăn với trung tâm xã và trục đường chính. Để đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông này cần nguồn vốn rất lớn, trong khi việc vận động đóng góp trong nhân dân là không thể, bởi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Việc hỗ trợ bò cho hộ nghèo xã Lộc Phú nuôi nhân đàn đang phát huy hiệu quả
Từ các nguồn vốn lồng ghép, năm 2023, Lộc Phú đã và đang được đầu tư làm 19km đường bê tông xi măng, đường nhựa để đạt tiêu chí giao thông. Trong đó, gần 10km đường rộng 9m kết nối trung tâm xã với các khu dân cư DTTS, kinh phí hơn 100 tỷ đồng (vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi). Tuyến đường có mặt nhựa rộng 7m và 2m bê tông xi măng, mỗi bên 1m, kết hợp với hệ thống mương thoát nước, hiện xây dựng đạt 50% tiến độ. “Dù đang trong quá trình xây dựng, nhưng được Đảng, Nhà nước ưu tiên, quan tâm như thế này, bà con vui mừng lắm. Bởi trước đây đường chật hẹp, lầy lội rất khó lưu thông” - anh Nguyễn Duy Hưng, ấp Tân Hai, xã Lộc Phú phấn khởi.
Nhà văn hóa cộng đồng ấp Bù Linh, xã Lộc Phú được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại
Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Trần Văn Tiến chia sẻ, đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối các khu dân cư DTTS xa nhất với trung tâm xã. Khi hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội mà trong tương lai sẽ phát triển thêm các hoạt động dịch vụ, thương mại ở nông thôn.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023, xã được đầu tư bê tông 6,5km, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo ông Tiến, để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã cần bê tông thêm 2km nữa. Vấn đề này địa phương đã đề xuất với UBND huyện và huyện cũng đã cử cơ quan chuyên môn về thực hiện các bước, thuận chủ trương cho xã xây dựng.
Công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân vùng đặc biệt khó khăn ấp Vẻ Vang, xã Lộc Phú
Cùng với hệ thống giao thông, các nhà văn hóa trên địa bàn xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tổ chức các hoạt động hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Từ năm 2023 đến nay, xã đầu tư mới 3/7 nhà văn hóa cộng đồng cho các ấp: Bù Nồm, Bù Linh, Vẻ Vang và sửa chữa 2 nhà văn hóa các ấp Tân Hai, Tân Lợi. Bên cạnh đó, cũng từ các nguồn vốn lồng ghép 1,5 tỷ đồng, tại các khu dân cư DTTS được đầu tư xây dựng 5 công trình cấp nước tập trung, phục vụ nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.
Những năm qua, xã Lộc Phú được hỗ trợ xây mới 192 căn nhà và sửa chữa 21 căn cho hộ khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí hơn 13,7 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 1.793/1.887 nhà ở kiên cố và bán kiên cố, đạt 95%. Ngoài ra, còn hỗ trợ 104 con bò, 121 con dê và nhiều nông cụ, vật tư khác giúp hàng trăm hộ thoát nghèo. Đến nay, xã còn 27 hộ nghèo, giảm 121 hộ so với năm 2022.
Cần chung tay tháo gỡ khó khăn
Trên địa bàn xã Lộc Phú có 2 trường học là TH&THCS Lộc Phú và Mẫu giáo Bình Minh. Cả 2 trường này xây dựng trên diện tích chật hẹp chỉ hơn 1,2 ha. Ngoài diện tích không đảm bảo quy định, trường ở xa trung tâm xã, gần với xã Lộc Hiệp nên gây nhiều khó khăn, bất cập cho việc đi lại của học sinh, giáo viên cũng như công tác tuyển sinh đầu vào.
Thầy Vũ Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Lộc Phú cho biết: Do không ở vị trí trung tâm nên một số ấp, sóc ở xa trường, di chuyển khó khăn buộc học sinh phải chuyển sang học “ké” tại xã Lộc Quang và Lộc Hiệp. Theo thống kê, có khoảng 300 học sinh ở Lộc Phú đang học ở 2 xã lân cận. Nếu trường được xây mới và di dời đến vị trí trung tâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, phụ huynh, đồng thời xóa các điểm lẻ, thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh Trường TH&THCS Lộc Phú phải học trong phòng chật hẹp vì xây dựng không đúng quy cách
Ngoài ra, cơ sở vật chất của Trường TH&THCS Lộc Phú cũng còn rất nhiều khó khăn, bất cập cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, các phòng học cấp 4 của khối tiểu học xây dựng từ năm 1997, đến nay xuống cấp trầm trọng; trong khi đó, 8 phòng khối THCS xây dựng năm 2017 nhưng chật hẹp, không đúng quy chuẩn của trường THCS. Bởi vậy, những lớp có đông học sinh, phải kê bàn ghế sát bục giảng mới sắp xếp đủ chỗ ngồi cho các em.
Không chỉ điểm chính mà tại điểm lẻ ấp Bù Linh, các phòng học do xây dựng từ lâu nên nay đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, phòng học của các cháu Trường mẫu giáo Bình Minh không có phải mượn tạm căn phòng nhỏ, diện tích khoảng 12m2 làm nơi học tập, sinh hoạt cho lớp ghép 4 và 5 tuổi với 27 trẻ em S’tiêng.
Điểm trường lẻ ấp Bù Linh, xã Lộc Phú xây dựng từ lâu nay xuống cấp trầm trọng
Cô Nguyễn Thị Quý, giáo viên Trường mẫu giáo Bình Minh dạy ở điểm lẻ Bù Linh nhìn nhận: Học ở điểm lẻ Bù Linh các em thiệt thòi nhiều so với điểm chính, do cơ sở vật chất thiếu và yếu. Năm học này dù nhà trường đã vận động hỗ trợ đồ dùng học tập cho các em, tuy nhiên khó khăn nhất là vẫn không kê được bàn ghế để các em ngồi đúng quy cách, bởi phòng quá hẹp.
Học sinh lớp mầm non 4, 5 tuổi phải học trong phòng chật hẹp không thể kê được bàn ghế
Để giải quyết những khó khăn, bất cập về tiêu chí trường học, xã Lộc Phú đã chọn, bố trí một khu đất gần trung tâm xã rộng 2 ha xây dựng Trường TH&THCS Lộc Phú. Vấn đề này đã được UBND huyện thuận chủ trương và bố trí hơn 2 tỷ đồng thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng xây dựng. Sau khi xây dựng xong sẽ bàn giao toàn bộ diện tích của Trường TH&THCS Lộc Phú hiện tại cho Trường mẫu giáo Bình Minh sử dụng, đảm bảo về diện tích.
Khu đất mới đã có, vấn đề còn lại là triển khai xây dựng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tỉnh mới chỉ cấp vốn xây dựng 30 phòng học, còn các công trình, hạng mục khác thì chưa. Mặt khác, để đầu tư xây dựng, hoàn thiện một công trình trường học quy mô hơn 1.000 học sinh mất khá nhiều thời gian, trong khi quỹ thời gian năm 2023 không còn nhiều. Đây là bài toán khó ở xã Lộc Phú trong việc về đích NTM.
Ngoài xây dựng 30 phòng học thì kinh phí để xây dựng các công trình, hạng mục khác vẫn chưa được huyện, tỉnh phê duyệt đầu tư. Bởi vậy, để đạt tiêu chí cơ sở vật chất về trường học thực sự là bài toán khó. Mong các cấp quan tâm, xem xét, hỗ trợ kinh phí để xã hoàn thành tiêu chí trường học: Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú TRẦN VĂN TIẾN
Ngoài trường học thì môi trường cũng là tiêu chí khó với xã đặc biệt khó khăn Lộc Phú. Bởi tỷ lệ hộ DTTS hơn 30%, trình độ dân trí hạn chế, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa cao, vẫn còn nuôi, nhốt gia súc bên cạnh nhà ở gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu dân cư. Và nhiều vấn đề về môi trường khác như công trình cấp nước sạch, nhà vệ sinh, công tác thu gom rác thải sinh hoạt khu dân cư vẫn còn thiếu, yếu và khó có thể thực hiện trong thời gian ngắn.
Đến nay, Lộc Phú đạt 15/19 tiêu chí NTM. 4 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm. Cái khó vẫn còn đó nhưng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị ở xã đặc biệt khó khăn là điều ai cũng cảm nhận và thấy được. Tin tưởng rằng những khó khăn, vướng mắc sẽ được quan tâm, có giải pháp tháo gỡ trong thời gian sớm nhất.