Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dành cho đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành, lãnh đạo các đồn biên phòng, cán bộ chủ chốt các huyện, xã biên giới,... của 915 điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã với hơn 23.000 đại biểu.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Phước có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cùng lãnh đạo các ban, sở, ngành, đơn vị, lực lượng vũ trang. Hội nghị còn được kết nối đến điểm cầu các huyện, thị, thành ủy và điểm cầu cấp xã.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng chủ trì hội nghị
Tham gia trình bày báo cáo chuyên đề tại Hội nghị có các báo cáo viên của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe và trao đổi về 03 nội dung liên quan: Quan hệ Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia thời gian gần đây và phương hướng hợp tác thời gian tới; Công tác biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng và Biên giới quốc gia và bảo vệ biên giới quốc gia hiện nay.
Nội dung các chuyên đề tập trung nêu bật những kết quả đạt được trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới trên đất liền trên các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật; sự hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan đoàn thể và các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới của hai bên. Đồng thời, đề xuất những nội dung trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế, hình thức hợp tác hiện có, góp phần xây dựng các tuyến biên giới trên đất liền hòa bình, hữu nghị, ổn định, phát triển bền vững; kịp thời giải quyết những phát sinh về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
Các báo cáo viên nhấn mạnh công tác biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng cần bám sát định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Tăng cường tuyên truyền về chủ trương nhất quán trong chủ trương giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ của Việt Nam; phổ biến, giáo dục về ý nghĩa, nội dung cũng như thành quả triển khai công tác quản lý biên giới, các văn kiện pháp lý về biên giới giữa Việt Nam với ba nước láng giềng. Qua đó, góp phần khẳng định sự đúng đắn của đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong công tác giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Bình Phước
Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhất là của các địa phương khu vực biên giới cần chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, kịp thời tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương về chủ trương, đối sách, xử lý hiệu quả các tình huống trên biên giới, chú ý các địa bàn trọng điểm, không để bị động, bất ngờ. Tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới theo đúng các văn kiện pháp lý đã ký kết, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; đấu tranh hiệu quả phòng, chống tội phạm, nhất là tổ chức tội phạm quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia, tội phạm ma túy có vũ trang…. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng; tiếp tục đàm phán, phân giới cắm mốc 16% còn lại trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
Phát biểu chỉ đạo kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại khẳng định tầm quan trọng của việc cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại về công tác quản lý, bảo vệ biên giới trên đất liền đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực đang diễn biến phức tạp hiện nay. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chính gồm: (i) quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các văn bản liên quan: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”. (ii) Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh có biên giới cần chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc, chủ trương vừa linh hoạt, ứng phó hiệu quả với các tình huống nhạy cảm mới phát sinh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. (iii) Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, chú trọng tính phù hợp với đối tượng khác nhau của khu vực biên giới. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, trong đó có công tác tuyên truyền bằng tiếng: Trung Quốc, Lào, Khmer, Anh và ngôn ngữ các dân tộc ít người ở khu vực biên giới trên đất liền. (iv) Tiếp tục quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các lực lượng làm công tác tuyên truyền, nhất là lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở như, già làng, trưởng bản, trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân cư khu vực biên giới. (v) Các địa phương có biên giới phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đối diện của 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia nâng cao năng lực công tác quản lý biên giới theo các văn kiện đã ký kết; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực xấu lợi dụng vấn đề biên giới để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá chế độ ở mỗi nước và quan hệ truyền thống hữu nghị của các nước láng giềng./.