Sáng ngày 17/1, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị giao ban (trực tiếp kết hợp trực tuyến) với các đồng chí bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương về tình hình công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của các tỉnh ủy, thành ủy.
Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và các đồng chí lãnh đạo các ban đảng Trung ương, đại diện Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương.
Tại điểm cầu Bình Phước, có các đồng chí Nguyễn Mạnh Cường – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và trưởng các ban đảng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy.
Báo cáo hội nghị nêu rõ, năm 2023 các tỉnh ủy, thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tốt các nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các tỉnh ủy, thành ủy đã tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, sâu sát và linh hoạt; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các nghị quyết, chỉ thị, đề án về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng; nắm chắc tình hình cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, những vụ việc phức tạp ngay từ đầu.
Toàn cảnh hội nghị chụp từ màn hình
Năm 2023, kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết cũng như kế hoạch phát triển của năm của các địa phương đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Có 03 địa phương đã hoàn thành, hoàn thành vượt mức các nhóm chỉ tiêu kế hoạch; 7 địa phương tăng trưởng hai con số. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của các địa phương hầu hết có xu hướng quý sau cao hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ của kinh tế các địa phương, phát triển ổn định (từ 2-5%).
Lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội, được triển khai đồng bộ, kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều có xu hướng giảm; một số địa phương giảm xuống dưới 1%; có tỉnh không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện đồng bộ. Chủ quyền lãnh thổ được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại được triển khai toàn diện, đồng bộ cả về đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Thảo luận tại hội nghị, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy các địa phương như: Bắc Giang, Bình Phước, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Trà Vinh, Lai Châu, Đà Nẵng,… đã đánh giá kết quả thực hiện năm 2023, thống nhất nhiệm vụ năm 2024; đồng thời nêu lên những nét nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ thực tiễn địa phương. Cùng với đó, nêu lên những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất, kiến nghị các giải pháp để Trung ương xem xét tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2024.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao các tỉnh ủy, thành ủy đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, bám sát, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương và đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ để nhận diện, xác định rõ và quyết tâm dồn lực cho các mục tiêu đạt thấp, mục tiêu chưa hoàn thành, khắc phục những điểm yếu, hạn chế, phát huy những tiềm năng, thế mạnh ở địa phương. Trong đó, các địa phương ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, quan tâm những lĩnh vực động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; bảo đảm công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững... Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên.