131.984 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi
Thứ năm - 29/08/2019 23:468110
Sáng 29-8, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH).
Thừa ủy quyền của Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Thị Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nâng cao nhận thức, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đến nay, 100% chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện. Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; thường xuyên chỉ đạo công tác bình xét hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo các hộ có nhu cầu được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng. Đồng thời, có nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; quan tâm bố trí địa điểm, thời gian, an ninh an toàn cho hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại trụ sở UBND các xã, thị trấn… Chỉ thị 40-CT/TW đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần quan trọng trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần đáng kể trong việc đẩy lùi “tín dụng đen”, tạo sự ổn định ở vùng nông thôn. Từ cuối năm 2014 đến 30-6-2019, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 131.984 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay trên 2.764 tỷ đồng. Từ vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 11.712 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 7.109 lao động; giúp 6.498 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; cải tạo và xây mới 105.266 công trình nước sạch và vệ sinh; hỗ trợ vốn xây 492 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở và đã có 13 lượt lao động đi xuất khẩu lao động nhờ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Bà Trần Lan Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Phước đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng CSXH trên địa bàn. Theo đó, nợ quá hạn đã giảm từ 0,6% (năm 2014) xuống còn 0,17% (năm 2019) và không còn xã có tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 2%/tổng dư nợ. Phó tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp ở Bình Phước quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay để nâng mức cho vay; chỉ đạo lồng ghép hoạt động cho vay với các hoạt động khuyến nông nhằm phát huy hiệu quả vốn chính sách.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; tích cực huy động vốn chính sách xã hội, phấn đấu 100% hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn, đảm bảo công khai, minh bạch và đầy đủ. Hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh phải tham gia tích cực vào chủ trương giảm nghèo cho 1.000 hộ đồng bào DTTS; tăng cường tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách cho vay; biểu dương, nhân rộng các mô hình tín dụng chính sách hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn được xoay vòng hiệu quả; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là về tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp…
Tính đến ngày 30-6-2019, toàn tỉnh có 1.948 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp đã kiểm tra, giám sát được 46 lượt các huyện, 972 lượt các xã, thị trấn; 4.149 lượt tổ tiết kiệm và vay vốn và 12.086 lượt hộ vay. Toàn tỉnh đã mở 107 điểm giao dịch tại 107 xã, phường, thị trấn. Nhờ vậy, có trên 90% các giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện tại xã, tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, có 343 hộ vay 6 tỷ 403 triệu đồng đi khỏi địa phương, ngân hàng không có khả năng thu hồi.