Đại diện lãnh đạo Trung ương về dự có các đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), nguyên Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Trương Tấn Sang, nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trương Vĩnh Trọng, nguyên UVBCT, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ. Đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành trung ương và các tỉnh bạn có các đồng chí Bí thư, nguyên Bí thư, Chủ tịch, nguyên Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Sông Bé, Bình Dương, Tây Ninh, Đăk Nông và các tướng lĩnh thuộc lực lượng vũ trang Quân khu 7, Binh đoàn 16. Đại diện lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội; Trần Tuệ Hiền, phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trăm, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên Bí thư, phó Bí thư, nguyên Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh uỷ; nguyên ủy viên ban Thường vụ tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cùng đông đảo bà con nhân dân trong tỉnh về dự.Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại buổi lễ
Trước khi vào buổi lễ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đắk Nông; các tướng lĩnh đại diện Quân khu 7, Binh đoàn 16; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và đông đảo nhân dân đã đến thắp hương tưởng niệm các đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam, Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và các anh hùng liệt sỹ ta nhà tưởng niệm trong khu di tích.Tại buổi lễ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân tỉnh Bình Phước – Bình Dương nhân kỷ niện 44 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của đảng, quân và dân 2 tỉnh từ thế giữ gìn lực lượng, đấu tranh chính trị đơn thuần đã chuyển sang thế tiến công, đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang với 3 mũi giáp công; quân sự, chính trị, binh vận. Trước sự chuyển biến tình hình trên chiến trường sau chiến dịch Mậu thân 1968, để lãnh đạo sát phong trào nhằm đảo bảo yêu cầu nhiệm vụ sắp tới, ngày 30-01-1971, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 01/NQ giải thể Khu uỷ Khu 10; tách tỉnh Quảng Đức về Khu 6 và thành lập Đảng bộ Phân khu Bình Phước (bao gồm Bình Long, Phước Long) trực thuộc Trung ương Cục, về chính quyền gọi là tỉnh Bình Phước, gồm các đơn vị Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp và Bù Gia Mập. Năm 1973, Tà Thiết được chọn xây dựng căn cứ Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tại đây, Bộ chỉ huy đã đề nghị Trung ương đổi tên chiến dịch Sài Gòn – Gia Định thành chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26-4, Bộ chỉ huy chiến dịch đã phát lệnh tổng tiến công cho năm cánh quân “ thần tốc” đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ – Nguỵ tại Sài Gòn. Chiến dịch toàn thắng, một lần nữa chứng minh chân lý bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ngày 23-3-1975 không chỉ là một trang sử hào hùng trong cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương của quân và dân tỉnh Bình Phước, mà còn là một trong những chiến công quan trọng làm tan rã hệ thống phòng ngự từ xa của Sài Gòn – Gia Định, đẩy địch vào thế bị bao vây, cô lập tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, mở ra trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của độc lập, thống nhất và xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sau 22 năm tái lập tỉnh, kết thúc năm 2018, Bình Phước đạt được những kết quả đặc biệt ấn tượng: 22 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,63%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 8.276 tỷ đồng, cao nhất kể từ tái lập tỉnh đến nay. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Bình Phước phấn đấu đến năm 2020 cân đối được chi thường xuyên, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng, gấp 22 lần so với năm 1997. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn kỷ niệm 44 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Phước, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trân trọng tri ân và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các thế hệ cán bộ tiền bối; cán bộ, chiến sĩ Khu 10, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Quân khu 7, các cán bộ, chiến sĩ đã từng công tác, chiến đấu trên chiến trường Bình Phước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhìn lại chặng đường đã qua và những thành tựu to lớn đạt được, thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Minh Triết - nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sông Bé, đồng chí Trương Tấn Sang – nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch Nước, đồng chí Trương Vĩnh Trọng – nguyên UVBCT, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặt biệt cho đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước…. Đồng chí cũng trân trọng cảm ơn lãnh đạo và nhân dân tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tỉnh Bình Phước nhiều công trình thiết thực, có giá trị, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương giữa những người con chung dòng Sông Bé.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo kết quả quá trình đầu tư, xây dựng, tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng muền Nam Việt Nam tại Tà Thiết với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng. Trong đó, vốn xã hội hoá 91 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 50 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 195 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã bày tỏ nhiều niềm vui và xúc động trước những thành tực và những bước tiến ngoạn mục cũng như tình đoàn kết, sự nương tựa vào nhau chia ngọt, xẻ bùi của hai tỉnh Bình Phước - Bình Dương để cùng nhau phát triển trong những năm qua. Việc xây dựng, tôn tạo và khánh thành Khu di tích Căn cứ Tà Thiết đã thể hiện lòng tri ân của đội ngũ cán bộ lãnh đạo hôm nay, là sự giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và là tiền đề để Bình Phước phát triển du lịch. Khu di tích Căn cứ Tà Thiết hôm nay không chỉ để lại hình ảnh mà còn để lại bao ân tình nơi đây cho các thế hẹ mai sau./.