Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (viết tắt là Nghị quyết số 25-NQ/TW), 05 năm thực hiện Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" (viết tắt là Kết luận số 43-KL/TW), công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có những chuyển biến tích cực.
Tổ chức quán triệt và tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên trong tỉnh
Thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, nhằm giúp các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên hiểu, nắm vững các nội dung cơ bản và mới trong Nghị quyết 25. Trên cơ sở đó 100% các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết cho các chi, đảng bộ trực thuộc với 25.730 đảng viên tham gia học tập, đạt tỷ lệ 98,6%. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng và các cơ quan báo chí, truyền hình, truyền thanh tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên trong tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới do Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức ngày 20/9/2023
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 191 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác dân vận; ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU ngày 06/9/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Năm 2016, sau 03 năm triển khai nghị quyết, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác dân vận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 36-KH/TU, ngày 31/8/2016 về thực hiện Nghị quyết XII về công tác dân vận. Đồng thời, ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 03/8/2016 về “Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016-2020”; xây dựng Đề án nâng cao năng lực hoạt động và khả năng tập hợp quần chúng của MTTQ và các đoàn thể ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới”.
Ra mắt mô hình Dân vận khéo “Gia đình an toàn-khu phố bình yên” tại khu phố Phước An, Phường Phước Bình, thị xã Phước Long
Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh thực hiện và ban hành nhiều kế hoạch để triển khai công tác dân vận chính quyền, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận chính quyền. Đồng thời, hàng năm giữa UBND các cấp đều có chương trình, kế hoạch phối hợp công tác dân vận với Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp, giữa các đơn vị Lực lượng vũ trang với các đoàn thể chính trị - xã hội.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã cụ thể hóa kế hoạch để triển khai Nghị quyết 25; trong đó tập trung vào các nội dung đổi mới các phong trào thi đua, lồng ghép các hoạt động, để nâng cao chất lượng các phong trào; tăng cường thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và vận động Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đến đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Phát huy vị trí, vai trò của chính quyền tổ chức thực hiện công tác dân vận
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Ðặc biệt, các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’’; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh’’; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’’; hoạt động bảo vệ biên giới, chủ quyền, biển đảo, phòng chống thiên tai, bão lũ và đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư... Kết quả, vận động được 214 tỷ 119 triệu đồng và các hàng hoá quy ra tiền là 24 tỷ 961 triệu đồng; thông qua Quỹ đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2.919 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, cận nghèo có khó khăn về nhà ở.
Lễ ra mắt mô hình dân vận khéo “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, chống tội phạm, xây dựng gia đình an toàn, xóm, ấp bình yên” tại ấp Bưng Sê, xã Tân Thành, thành phố Đồng Xoài
Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ theo hướng sâu sát cơ sở, gần dân, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, thực sự phát huy vị trí, vai trò của chính quyền tổ chức thực hiện công tác dân vận. HĐND các cấp kịp thời thể chế hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nội dung công tác dân vận, công tác vận động quần chúng vào nghị quyết hàng năm để triển khai thực hiện trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt việc lấy ý kiến của Mặt trật Tổ quốc, các thành viên và các tầng lớp nhân dân về các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật, nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao công tác dân vận chính quyền như: ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác dân vận chính quyền và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác dân vận; phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy ban hành các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác dân vận chính quyền giai đoạn và hàng năm. Thực hiện tốt văn bản các cấp về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đơn vị. Các kiến nghị, khiếu nại của công dân thông qua các buổi tiếp dân đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý, trao đổi, giải thích và hướng dẫn kịp thời, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân hầu hết liên quan đến công tác đền bù, thu hồi đất, tranh chấp đất đai, chế độ, chính sách, đặc biệt là liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án…
Công tác dân vận trong lực lượng vũ trang được cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Ngành Công an triển khai Đề án đưa Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, phường, thị trấn, phân công cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang về cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tuyến giáp ranh, góp phần giữ vững ANCT, TTATXH. Lực lượng vũ trang phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, Ban Dân vận ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp về công tác dân vận với Ban Dân tộc, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ban Dân vận các huyện, thị, thành ủy, hàng năm xây dựng và ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận với UBND cùng cấp; ký kết phối hợp với LLVT và các đoàn thể…và tiến hành sơ, tổng kết đánh giá kết quả đạt được.
Việc kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện Nghị quyết số 25, luôn được Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Từ năm 2013 đến nay, Tỉnh ủy đã giao Ban Dân vận Tỉnh ủy thành lập 76 đoàn kiểm tra, giám sát, khảo sát đánh giá việc thực hiện công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc phối hợp của các cấp, ngành trong triển khai, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 25 và các văn bản về công tác dân vận được thực hiện tốt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận vận khéo” đạt được những kết quả khá nổi bật, 10 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng được 5.527 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo đã được nhân rộng, lan tỏa tích cực trong xã hội góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW: "Ghi nhận, biểu dương những kết quả nổi bật của công tác dân vận trên địa bàn tỉnh thời gian qua; đồng thời, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về quan điểm đổi mới công tác dân vận của Đảng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung hướng mạnh về cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, xây dựng tổ chức vững mạnh, hoạt động hiệu quả".
Những định hướng thời tới nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận
1. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận. Các cấp ủy đảng tiếp tục phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 25, Kết luận số 43 và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận nhằm nâng cao nhận thức, tư tưởng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác dân vận trong tình hình mới hiện nay. kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
2. Tăng cường lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo; thường xuyên thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán vùng có đạo. Chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân.
3. Đẩy mạnh công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư; làm tốt hơn nữa công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, các vấn đề vướng mắc, phát sinh ở cơ sở. Tiếp tục chỉ đạo triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, tăng cường công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội phát động gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo".
5. Xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, có uy tín, có triển vọng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.
6. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.