Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước, Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính và các văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra "Chương trình đột phá trong cải cách thủ tục hành chính". Từ chương trình đột phá đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 25/6/2022 nhằm đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ ban hành Quy định số 624-QĐ/TU ngày 17/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.
Trên cơ sở Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch hành động theo giai đoạn, hàng năm và quyết liệt trong triển khai thực hiện; tổ chức 02 Chiến dịch cao điểm “50 ngày đêm” năm 2021 đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và “92 ngày đêm” năm 2022 nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số. Sau nữa nhiệm kỳ, kết quả cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
Công tác cải cách hành chính; kiểm soát thủ tục hành chính
Nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước, Kế hoạch tuyên truyền cải cách hành chính và các văn bản chỉ đạo điều hành về cải cách hành chính giai đoạn và hàng năm.
Kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng so với năm 2021, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm tốt tăng cao. Cụ thể: Năm 2021: Chỉ số cải cách hành chính trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 88,81% và Chỉ số cải cách hành chính của trung bình UBND các huyện, thị xã, thành phố trung bình đạt 85,93%. Có 09/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm tốt; 22/31 cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm khá; không còn cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm trung bình và nhóm yếu. Năm 2022: Chỉ số cải cách hành chính trung bình của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đạt 92,51% (tăng 3,71% so với năm 2021) và Chỉ số cải cách hành chính trung bình của UBND các huyện, thị xã, thành phố đạt 92,47% (tăng 6,54% so với năm 2021). Có 23/31 cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm tốt; 08/31 cơ quan, đơn vị, địa phương nằm trong nhóm khá; không còn cơ quan, đơn vị, địa phương có Chỉ số nằm trong nhóm trung bình và nhóm yếu.
Bình Phước là một trong những tỉnh thuộc Top đầu cả nước về cải cách hành chính.
Kết quả chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS năm 2022 có thứ hạng tăng so với năm 2021. Tại Chỉ số PAR INDEX có 05/8 lĩnh vực có thứ hạng tăng, gồm: Cải cách thể chế (tăng 07 bậc); cải cách TTHC (tăng 10 bậc); cải cách chế độ công vụ (tăng 9 bậc); xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số (tăng 05 bậc); đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh (tăng 15 bậc). Trong đó, xây dựng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, 55 tiêu chí, tiêu chí thành phần tự đánh giá, chấm điểm đạt điểm tối đa; Chỉ số SIPAS tăng 06 bậc so với năm 2021. Trong đó, Chỉ số hài lòng của người dân đối với kết quả dịch vụ đạt 80,04%; Chỉ số hài lòng của người dân đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 79,15%; Chỉ số hài lòng của người dân đối với trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đạt 78,42%; Chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố (tăng 09 bậc so với năm 2021); Chỉ số nội dung công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đứng thứ 35/63 tỉnh, thành phố (tăng 12 bậc so với năm 2021); Chỉ số nội dung quản trị điện tử đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2021).
Về kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG): với sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện, từ vị trí thứ 47/63 tỉnh thành phố khi đầu nhiệm kỳ, tỉnh đã rà soát, kết nối thành công 1.468 dịch vụ công (DVC) lên Cổng DVCQG (hiện đang xếp trong tốp đầu cả nước) với 1.076 DVC toàn trình và 392 DVC một phần.
Về cấp bản sao chứng thực điện tử: đầu nhiệm kỳ, tỉnh chưa có hồ sơ cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính thành công, đến thời điểm hiện tại đã cấp được 92.371 hồ sơ hồ sơ chứng thực điện tử cho công dân (luôn đứng trong tốp đầu cả nước về cung ứng dịch vụ chứng thực điện tử).
Về giải quyết TTHC: Với sự quyết tâm, quyết liệt của các cơ quan, đơn vị trong tiếp nhận, giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân trên tinh thần đem đến sự thuận lợi, hài lòng nhất cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc quá hạn giải quyết thủ tục hành chính và không để tình trạng trễ hạn vì nguyên nhân chủ quan; từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận là 2.053.822 hồ sơ, đã giải quyết là 1.971.502 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn luôn ở mức cao, cụ thể: năm 2021 là 98,05%; năm 2022 là 98,89%; 6 tháng đầu năm 2023 là 98,87%. Các hồ sơ thủ tục trễ hạn đều được các cơ quan thụ lý gửi thư xin lỗi trước khi đến hạn và thông báo cho người dân, doanh nghiệp biết.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Về đẩy mạnh DVC trực tuyến: Tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến trước ngày 01/6/2022 đối với cấp tỉnh là 82,89%; chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện là 15,13%; Bộ phận một cửa cấp huyện là 49,94%; Bộ phận một cửa cấp xã là 87%. Với nhiều giải pháp và chỉ đạo quyết liệt, đến nay tỷ lệ DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt mức xấp xỉ 100% (cấp tỉnh là 100%; cấp huyện, cấp xã là 99,8%); hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến cấp tỉnh đạt 99,48%, cấp huyện đạt 99,85%, cấp xã đạt 97,26%; hồ sơ TTHC thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt trên 98,05%.
Về thanh toán trực tuyến: đầu nhiệm kỳ, việc thanh toán trực tuyến nhìn chung còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở cấp huyện, xã do nhiều đơn vị chưa hoàn thành việc khai báo tài khoản thanh toán và tích hợp chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công tỉnh. Bằng sự quyết tâm trong triển khai thực hiện, đến nay tất cả DVC của tỉnh đã tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG. Từ khi triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đất đai (15/12/2020) đến nay đã thực hiện được 128.216 giao dịch, thu về khoảng 750,6 tỷ (trong đó: khoản phí lệ phí là 20.627 giao dịch với 4,2 tỷ đồng; thanh toán nghĩa vụ tài chính với gần 107.589 giao dịch với 746,4 tỷ đồng).
Về rà soát, cắt giảm đơn giản hóa TTHC: Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên. UBND tỉnh đã ban hành 70 Quyết định công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã. Tỷ lệ bình quân thời gian thực hiện TTHC trên địa bàn tỉnh đã được cắt giảm rất nhiều so với thời gian quy định của các Bộ, ngành công bố (cắt giảm 30,54%), cụ thể: tổng số thời gian công bố của Bộ, ngành là 27.843,5 ngày; tổng số thời gian công bố của tỉnh là: 19.341,5 ngày, cắt giảm 8.502 ngày.
Công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã đề ra Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 13/10/2021 để triển khai thực hiện. Triển khai lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm và các khu công nghiệp; cải tạo, nâng cấp mạng 4G, phủ sóng 100% diện tích của tỉnh đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi
Hạ tầng băng rộng cố định: Trên địa bàn tỉnh đã có 843/843 thôn, ấp có hạ tầng băng rộng cố định, đạt tỷ lệ 100%. Mạng di động 3G/4G đã phủ sóng 843/843 thôn, ấp đạt tỷ lệ 100%. Tại khu vực thành phố Đồng Xoài, Viettel và VNPT Bình Phước đã triển khai thí điểm mạng 5G. Ngoài ra, các doanh nghiệp thường xuyên bổ sung các trạm lưu động tại các khu vực lễ hội để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có số thuê bao điện thoại là 1.314.968 (trong đó, cố định 9.725 thuê bao, di động 1.305.243 thuê bao); Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng là 1.158.045 (trong đó, cố định 218.415 thuê bao, di động 939.630 thuê bao. Số thuê bao băng rộng cố định FTTH của hộ gia đình đạt 215.252 thuê bao; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 77,4%; Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) trên địa bàn tỉnh đạt 78%.
Triển khai phủ sóng khu vực lõm sóng thông tin di động, khu vực biên giới năm 2023 với 15 trạm (Viettel 10 trạm, VNPT 03 trạm, Mobifone 02 trạm); có kế hoạch lắp đặt mạng 5G tại các khu trung tâm hành chính của các huyện, thị xã, thành phố và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến: Đã hoàn thiện kết nối thông suốt từ Trung ương với tỉnh và với cấp huyện, cấp xã với tổng số 137 điểm cầu.Phần mềm họp không giấy: Đã triển khai hệ thống phần mềm họp không giấy Ecabinet, phần mềm do Sở Thông tin và Truyền thông quản trị, phân quyền cho các cơ quan, đơn vị sử dụng. Từ đầu năm đến nay, hệ thống đã kết nối 3.225 cuộc họp online qua phần mềm Họp không giấy Ecabinet cho các cơ quan trong tỉnh.
Ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân: Hệ thống 1022 đã tiếp nhận 1.183 tin, trong đó đã xử lý 1.121 tin, đang xử lý 04 tin, tin rác 42 tin, quá hạn chưa xử lý 16 tin; Ứng dụng “Binh Phuoc Today”, tính đến tháng 5/2023 có số người sử dụng trên toàn tỉnh là 28.791 người.
Đặc biệt, ngày 30/6/2023 vừa qua, tỉnh đã khai trương phần mềm tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước, chính thức quyết tâm tập trung triển khai số hóa lĩnh vực đất đai với mục tiêu đến cuối năm 2023, 100% toàn bộ thông tin đất đai trên toàn tỉnh được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu để khai thác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 129/129 cơ sở y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD thay thế cho thẻ BHYT từ tuyến tỉnh đến xã. Đến ngày 02/6/2023, số lượng công dân sử dụng thẻ CCCD để khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT được 255.271 trường hợp.
Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngân hàng, tổ chức tín dụng và các đơn vị cung cấp nền tảng CNTT thu phí không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 15/6/2023, toàn tỉnh có 428/432 cơ sở giáo dục triển khai thu phí không dùng tiền mặt, đạt tỉ lệ 99,07%.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành có hiệu quả của UBND tỉnh, sự triển khai tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, sự chung tay, đồng tình hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình đột phá trong cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã đạt được những kết quả tích cực, là tiền đề quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, nhiều nhiệm vụ ban đầu từ không có hoặc xếp ở thứ hạng thấp vươn lên nằm trong tốp đầu cả nước. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân tổ chức đã dần được cải thiện; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng hiệu quả, hồ sơ trễ hạn giải quyết cho người dân, tổ chức giảm dần; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được đẩy mạnh, số hồ sơ nộp và giải quyết trực tuyến tăng; công tác thanh tra, kiểm tra cải cách hành chính ngày càng được tăng cường./.