Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh.
Tại hội nghị, sau khi khái quát một số kết quả nổi bật về không gian phát triển đất nước sau 35 năm đổi mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế nhất định, trong đó không gian phát triển bị chia cắt nhiều theo địa giới hành chính; đầu tư phát triển còn dàn trải; chưa tập trung nguồn lực để hình thành rõ các vùng động lực có vai trò đi đầu, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế đất nước. Quy hoạch phát triển các ngành còn thiếu đồng bộ, liên kết. Hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia chưa đồng bộ, hiện đại; kết cấu hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện; hạ tầng năng lượng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập trong tổ chức không gian phát triển đất nước là do: Tư duy phát triển theo hướng dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; thiếu quy hoạch mang tính tổng thể quốc gia, dài hạn. Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển vùng còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế liên ngành, liên vùng. Chưa dành nguồn lực thích đáng để đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, khu vực ưu tiên phát triển như vùng kinh tế động lực, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh Bình Phước
Về “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, phải trên cơ sở nhận thức, quán triệt sâu sắc, đầy đủ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; căn cứ vào thực tế phát triển đất nước, đặc biệt là tổ chức không gian phát triển quốc gia 10 năm gần đây, xu thế phát triển trong nước và quốc tế.
Đối với không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi cả nước, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng trên cơ sở 6 vùng kinh tế - xã hội hiện nay và khai thác lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng và toàn vùng; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác cho phát triển để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải bảo đảm tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương.
Liên quan đến các chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, đây không phải lần đầu Đảng ta bàn về vấn đề này, tuy nhiên tại nghị quyết lần này có nhiều điểm mới. Do đó, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu kỹ, quá trình triển khai thực hiện phải cẩn trọng, bước đi vững chắc, phù hợp với thực tiễn và đặc biệt phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị: Sau hội nghị, các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung của nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớn nhân dân. Đồng thời chủ động xây dựng các chương trình hành động để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống theo tinh thần chủ trương 1, biện pháp 10, hành động 20.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Ý kiến bạn đọc