Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, ngay từ đầu năm Bình Phước đã tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, gắn với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử.
Kết quả năm 2022, tỉnh đã có 1.640 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; 1.506 dịch vụ công được kết nối Cổng Dịch vụ công Quốc gia (xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố); việc tích hợp ứng dụng thanh toán điện tử vào cổng Dịch vụ công của tỉnh, góp phần đưa dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 tại tỉnh đạt tỷ lệ trên 90%.
Về cải cách thể chế: năm 2022 HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành 57 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), gồm 38 Nghị quyết, 28 Quyết định; HĐND, UBND cấp huyện ban hành 20 văn bản QPPL (02 Nghị quyết và 18 Quyết định). Quá trình xây dựng văn bản QPPL tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Ngoài ra, theo thẩm quyền Sở Tư pháp thực hiện góp ý 44 văn bản của Trung ương (Dự án Luật, Nghị định, Thông tư, Quyết định, Chương trình, Kế hoạch); rà soát 66 văn bản QPPL của tỉnh (28 Quyết định, 38 Nghị quyết). Qua kiểm tra, các văn bản QPPL đều đang còn hiệu lực thi hành và không có sai sót về nội dung.
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Tổng số TTHC được công bố là 1.799 TTHC. Trong đó: 1.302 TTHC cấp tỉnh, 232 TTHC cấp huyện, 91 TTHC cấp xã, 74 TTHC thực hiện tại cơ quan đơn vị, 100 TTHC thực hiện liên thông giữa các cấp chính quyền; 64 TTHC của cơ quan ngành dọc, gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh (33 TTHC cấp tỉnh, 17 TTHC cấp huyện và 14 TTHC cấp xã).
Hội thảo về công tác cải cách hành chính do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức (Nguồn: Báo Bình Phước online)
Năm 2022, UBND tỉnh ban hành 25 Quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế và bãi bỏ được tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (85 TTHC công bố mới; 822 TTHC sửa đổi, bổ sung; 76 TTHC bãi bỏ; 01 TTHC liên thông; 02 TTHC thay thế); công bố phương án đơn giản hóa và cắt giảm thời gian giải quyết TTHC so với quy định công bố Trung ương: Sở VH-TT&DL cắt giảm 34% thời gian; Sở LĐ-TB&XH cắt giảm 34,37% thời gian; Sở Xây dựng cắt giảm 33,8% thời gian.
UBND tỉnh đã phát động cao điểm chiến dịch 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số từ ngày 01/6/2022 đến ngày 31/8/2022”, kết quả: Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ, TTHC xử lý trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa cấp huyện; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50%.
Kết quả giải quyết hồ sơ trên phần mềm dịch vụ công (dichvucong.binhphuoc.gov.vn): Cấp tỉnh: Tiếp nhận 66.689 hồ sơ, đã giải quyết 65.806 hồ sơ (trong đó giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 98,30%); đang giải quyết: 883 hồ sơ; Cấp huyện: Tiếp nhận 409.572 hồ sơ, đã giải quyết 372.137 hồ sơ (trong đó giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 97,11%) đang giải quyết: 37.435 hồ sơ; Cấp xã: Tiếp nhận 183.379 hồ sơ, đã giải quyết 182.742 hồ sơ (trong đó giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 97,11%) đang giải quyết: 633 hồ sơ; tổng số phản ánh kiến nghị (PAKN) của tổ chức, cá nhân liên quan đến TTHC được tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công là 106 PAKN, đã được xử lý và công khai theo quy định 45 PAKN, đang được xử lý 61 PAKN. Việc tích hợp các TTHC lên cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh không những tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức dễ dàng lựa chọn hình thức nộp hồ sơ mà còn giúp các cơ quan có thẩm quyền, người dân có thể kiểm tra, theo dõi quy trình luân chuyển hồ sơ, trạng thái giải quyết hồ sơ.
Về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số: Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ luôn được quan tâm đầu tư, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều có mạng nội bộ (LAN), kết nối internet với đường truyền mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc đường cáp quang để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc. Tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các Tập đoàn: Tập đoàn VNPT, Viettel, Công ty FPT… nhằm hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng, phát triển và quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng số từng bước thực hiện các mục tiêu, lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số theo quan điểm, định hướng của Trung ương. Hiện nay, tỉnh đã cấp 3.094 chứng thư số của cá nhân, tổ chức từ cấp tỉnh đến cấp xã (cá nhân 2.460 chứng thư, tổ chức 405 chứng thư), tỷ lệ văn bản điện tử của tỉnh được trao đổi trên môi trường mạng đạt 96% (trừ văn bản có quy định mức độ mật) thông qua việc ứng dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và tính xác thực. Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt trên 90% đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp.
Với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính của tỉnh từng bước hiện đại, thông suốt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.