Đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống

Thứ hai - 08/05/2023 04:55 1.945 0
Mục tiêu đến năm 2030, Bình Phước phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân khoảng 3%/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11% trong cơ cấu kinh tế. Đến năm 2045 xây dựng nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Mô hình nhà máy chế biến gà thịt xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food
Mô hình nhà máy chế biến gà thịt xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food
Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp Bình Phước đã phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, sản phẩm nông nghiệp được đa dạng hóa, chất lượng cao, bảo đảm được an ninh lương thực góp phần quan trọng vào xuất khẩu. Người nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng KHCN, tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh. Các chương trình, dự án về xây dựng nông thôn có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển khu vực nông nghiệp. Thu nhập của phần lớn nông dân còn thấp, thiếu ổn định.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy đã đã ban hành Chương trình hành động số 40 -CTr/TU, trong đó đề ra mục tiêu: Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân khoảng 3%/năm; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11% trong cơ cấu kinh tế; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 6%/năm. Đến năm 2045 người dân phát triển toàn diện, có thu nhập cao; sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Để thực hiện các mục tiêu đó và đưa Nghị quyết số 29-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống, Chương trình hành động số 40 -CTr/TU của Tỉnh ủy đã cụ thể hóa và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân và người dân nông thôn tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ kỹ thuật, liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tham gia các chuỗi giá trị. Đổi mới toàn diện hình thức tổ chức, nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
2. Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch của tỉnh, gắn với xây dựng các chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thị trường. Ưu tiên triển khai các đề tài, dự án có tính ứng dụng cao, thiết thực, phù hợp với quy trình canh tác và thích ứng biến đổi khí hậu để chuyển giao cho sản xuất.
3. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý, dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các làng nghề, dịch vụ nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
4. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hoá. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới để phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị.
5. Triển khai thực hiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cơ cấu lại đầu tư tư công hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi, huyến khích các tổ chức tín dụng cho vay và hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh; có chính sách đủ mạnh để hơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
6. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ. Tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Có chính sách, giải pháp hỗ trợ thành lập các vườn ươm, trung tâm hởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới. 
7. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nước gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch từ khâu lựa chọn giống, sản xuất, chế biến, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
8. Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và khoa học - công nghệ. Tạo điều kiện tốt nhất thúc đẩy hợp tác trong, ngoài nước về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng hệ thống logistic, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giữ ổn định các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn.

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đảng tổ chức quán triệt, phổ biến rộng rãi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, phát huy vai trò chủ thể của người dân nói chung, người dân ở nông thôn nói riêng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 40 -CTr/TU của Tỉnh ủy đã đề ra.

Tác giả bài viết: LQ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây