49 năm trước, đúng 9 giờ ngày 29/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên đảo Trường Sa. Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Ngày 2-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ thị "phải nắm lực lượng ở Khu 5 và Hải quân để tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa”. Ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ: "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất, đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa, không cho bất cứ kẻ nào xâm chiếm các nơi đó. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Chấp hành mệnh lệnh trên, Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương chuẩn bị lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, một nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, góp phần giải phóng hoàn toàn đất nước. Quyết tâm của Đảng ủy, Bộ tư lệnh là bám sát tình hình, tranh thủ thời cơ có lợi nhất để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm đảo trước ta.
Ngày 11-4-1975, các lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng 14-4, đảo Song Tử Tây được giải phóng, khiến quân địch trên toàn quần đảo Trường Sa hoang mang, dao động, tạo điều kiện cho ta giải phóng các đảo còn lại thuận lợi. Tiếp đến, 3 giờ ngày 25-4, ta giải phóng hoàn toàn đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27-4, ta làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 20 phút ngày 28-4, ta hoàn toàn làm chủ đảo Sinh Tồn. Đến 9 giờ ngày 29-4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Lữ đoàn 126 đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
9 giờ ngày 29/4/1975, Cờ giải phóng đã tung bay trên đảo Trường Sa. Ảnh: T.L
9 giờ ngày 29-4-1975, cờ Giải phóng đã tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ năm và cũng là cuối cùng mà quân ngụy Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Quân chủng Hải quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chiến công này khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, chính xác, kịp thời của Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công trên hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Chiến công giải phóng Trường Sa cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân. Đặc biệt, việc giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ quân đội Sài Gòn đóng giữ chính là bằng chứng có tính pháp lý để khẳng định trước cộng đồng quốc tế quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. 13 giờ cùng ngày, lực lượng của Quân chủng Hải quân tiến vào tiếp quản Bộ tư lệnh Hải quân ngụy ở trại Bạch Đằng, Bộ tư lệnh hạm đội, Công xưởng Ba Son, Bộ tư lệnh Sư đoàn lính thủy đánh bộ, trại Trịnh Minh Thế và một số vị trí khác.
Sau khi giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa năm 1975, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao về củng cố, xây dựng Trường Sa, Quân chủng Hải quân đã nhanh chóng triển khai lực lượng đóng giữ thêm 16 đảo, nâng tổng số lên 21 đảo với 33 điểm đóng quân.
49 năm qua, đảo Trường Sa nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở Nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng với âm mưu độc chiếm Biển Đông, vào cuối những năm 1987 đầu những năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, gây nên sự kiện ngày 14/3/1988 ở đảo Gạc Ma, đảo Cô Lin và đảo Len Đao. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân, với đối sách kiên quyết và tinh thần cảnh giác, các cán bộ chiến sỹ trên đảo đã kiên quyết bám trụ, chiến đấu anh dũng, kịp thời ngăn chặn không cho Trung Quốc thực hiện ý đồ thôn tính Trường Sa độc chiếm Biển Đông.
Trong những trận chiến đấu ngoan cường đó, 64 cán bộ chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ bình yên cho quân đào Trường Sa. Sự hy sinh cao quý đó đã tô thắm thêm truyền thống của Đoàn Trường Sa anh hùng, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho quân và dân huyện đảo.
Từ ngày được giải phóng, diện mạo của thị trấn Trường Sa thay đổi từng ngày. Nhiều công trình nhà ở, trường học, bệnh xá, trạm khí tượng thủy văn đã được xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân huyện đảo và ngư dân các địa phương làm ăn phát triển kinh tế biển, kết hợp an ninh với quốc phòng; góp phần cùng quân và dân huyện đảo nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.