Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - Những người lính đóng quân vùng sâu, vùng biên giới khó khăn là một bộ phận của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong tâm thức người Việt, biên giới, bộ đội biên phòng vẫn luôn là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Với những đóng góp không mệt mỏi cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, Bộ đội Biên phòng nói chung và BĐBP tỉnh Bình Phước nói riêng đã trở thành mảng đề tài phong phú, là nguồn cảm hứng bất tận của các văn nghệ sỹ qua nhiều thế hệ. Nói đến biên giới và những người lính biên phòng là nói đến cái đẹp, thơ mộng nhưng không kém phần hào hùng. Đó là cái đẹp của thiên nhiên, của con người, của tình yêu đôi lứa và cái hiên ngang, bất khuất đầy khí chất hào hùng của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” mang quân hàm xanh.
Trong bài hát Chiều Biên giới của nhạc sĩ Trần Chung có đoạn viết:
“Em ơi, có nơi nào đẹp hơn
chiều biên giới
khi mùa đào hoa nở
khi mùa sở ra cây
lúa lượn bậc thang mây
mùi tỏa ngát hương bay...”
Hay như bài Gửi em ở cuối sông Hồng của Nhạc sĩ Thuận Yến đã viết:
“Anh ở biên cương,
nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Ở nơi ấy mùa này con nước lắng phù sa in bóng đôi bờ...”
Trong bài Hoa Sim biên giới cũng có đoạn nói:
“Nếu em lên biên giới,
Em sẽ gặp bạt ngàn hoa -
Hoa sim, giữa đồi nắng gió, tím như ai chờ mong…”
Bình Phước là một tỉnh có biên giới dài nhất trong các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Campuchia. Dọc tuyến biên giới của tỉnh bố trí 16 Đồn Biên phòng, 1 Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, 4 cửa khẩu (gồm cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở, có nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới dài 258,939 km, 28 cột mốc chính và 353 cột mốc phụ. Trong đó, biên giới sông dài 231,163 km (sông Măng và sông Đắc Huýt), còn lại là biên giới bộ. Khu vực biên giới gồm 15 xã thuộc 03 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập với 18 dân tộc anh em sinh sống đan xen, chủ yếu là người đồng bào dân tộc S’tiêng. Mặc dù Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn đã có nhiều chính sách, chủ trương, chương trình quan tâm, đầu tư, song đời sống nhân dân nơi đây cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Phía ngoại biên, Bình Phước tiếp giáp với 3 tỉnh Munđunkiri, Kratie và Tboung Khmum với 07 xã thuộc 04 huyện Ô Răng, KeoSiMa/Munđunkiri, huyện Snuôl/Kratie và huyện Mê Mốt/Tboung Khmum.

Chiến sĩ Biên phòng Đồn Bù Đốp phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tuần tra dọc biên giới.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước (tiền thân là lực lượng An ninh nhân dân vũ trang) được thành lập ngày 04/6/1975 theo Quyết định số 108/QĐ của Ban An ninh tỉnh Bình Phước trên cơ sở hợp nhất giữa lực lượng An ninh nhân dân vũ trang tỉnh Bình Phước với lực lượng Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Trung đoàn 600 làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ Trung ương Đảng.
Với tinh thần trách nhiệm cao, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn “phát huy truyền thống, cống hiến tài năng” để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Và hình ảnh cán bộ, chiến sỹ trong học tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc quốc giới, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm…trở thành mảng đề tài phong phú, đa dạng cho các sáng tác của văn học nghệ thuật. Đã có rất nhiều sáng tác từ văn, thơ, nhạc cho đến kịch, phim truyện đã được xây dựng, sản xuất để ca ngợi hình ảnh đẹp của những người lính Bộ đội Biên phòng trong lao động, trong chiến đấu, nhất là những hy sinh thầm lặng của người lính miền biên viễn.
Nói đến người lính mang quân hàm xanh Bình Phước là nói đến những con người luôn hết lòng vì nhân dân, là nhắc đến sự khẩn trương, kịp thời luôn có mặt ở những điểm nóng nhanh nhất để cứu hộ, cứu nạn giúp dân khi xảy ra giông lốc, lũ quét. Tham gia thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục bằng các chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, mở lớp xoá mù chữ … thắp lên hy vọng và ước mơ cho những em nhỏ miền biên viễn. Trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có các Trạm xá quân dân y, đội ngũ quân y tại các đồn Biên phòng luôn túc trực cả ngày lẫn đêm để sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân. Trong thực hiện các phong trào, công tác chính sách xã hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh nhà đã tham gia có hiệu quả chương trình, mô hình như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “bò giống, dê giống cho người nghèo nơi biên giới”…chia sẻ cùng Nhân dân những nhọc nhằn, gian khó đã trở thành quen thuộc. Thật tự hào và hãnh diện khi Bộ đội Biên phòng được nhân dân đặt cho rất nhiều tên gọi thân thương như “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Bác sỹ quân hàm xanh”, “ Kỹ sư nông nghiệp quân hàm xanh”, “Chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh”…. Những tên gọi trở thành niềm động lực, niềm tin cho những người lính biên phòng luôn nỗ lực hết mình vì nhân dân biên giới. Những tên gọi thân thương đó cũng đã đi vào thơ ca, văn học như bài Người Thầy giáo mang quân hàm xanh của nhà giáo, nhạc sỹ Bùi Anh Tôn:
Những người lính biên phòng
Làm thầy giáo giữa gió núi mây ngàn
Luyện nét chữ dáng ngay
Dạy từng trang sách với bao điều hay
Học cái chữ bác Hồ
Để ngày mai sẽ tươi sáng ấm no….
Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 cán bộ, chiến sĩ còn thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, vừa tham gia phòng, chống dịch bệnh. Chiến trường nào cũng có những hy sinh. Trong cuộc chiến với giặc dịch cũng đã có rất nhiều những hy sinh của những người lính “gác biên”; đó là những khi cha, mẹ, người thân mất không thể về chịu tang; là khi vợ ốm, con đau không thể về bên để động viên, an ủi, giúp đỡ; đó là những tháng ngày biền biệt vùng biên viễn không thể về thăm gia đình và hết lần này đến lần khác phải tạm hoãn cưới để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ bình yên cho nhân dân, góp phần chiến thắng đại dịch Covid 19; đó còn là những tháng ngày sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, muôn vàn khó khăn từ đồ ăn, nước uống cho đến nơi ngủ nghỉ. Trong những tháng ngày “nội bất xuất - ngoại bất nhập” đó, những hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng xông pha trên các mặt trận chống dịch, giúp đỡ nhân dân ở biên giới được các báo, đài trung ương và địa phương liên tục đăng tải. Dù chất lượng hình quay, chụp chưa được đẹp vì sử dụng hình ảnh của các chiến sĩ tự chụp, tự quay lại, nhưng đã khắc họa đậm nét về những tháng ngày vất vả “ăn núi, ngủ rừng”, “nhường cơm, sẻ áo cho dân”, sống chung với muỗi, vắt, côn trùng của những người chiến sĩ biên phòng. Những khó khăn, vất vả và hy sinh đó được thể hiện rõ qua ca khúc “Bố là chiến sĩ biên phòng” của tác giả Xuân Đại, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng:
“Tiếng khóc chào đời, ánh mắt xoe tròn nhìn anh
Con sinh ra khi anh đang ở biên giới
Ôi thiên thần bé nhỏ, đón chào nhau qua màn điện thoại”...
Và trong bài thơ “Bộ đội Biên phòng chống dịch Corona” của tác giả Cẩm Thạch cũng đã viết:
“Chiến dịch này mình chẳng thể ở bên nhau
Anh lên chốt nơi tuyến đầu biên giới
Ăn, ngủ rừng, canh gác cùng đồng đội
Đêm tuần tra ngăn lối mở, đường mòn…
…Chiến sỹ Biên phòng sẵn sàng hy sinh
Giữ vững đường biên, bình yên đất nước
Đám cưới chúng mình, anh không về kịp
Gác lại tình riêng, khi Tổ quốc cần
Nhường phòng cách ly, nơi ở cho dân
Lều bạt khung cây, lạnh lùng gió núi
Cơn mưa ập về, bữa cơm ăn vội
Heo hút trùng mây chốt chặn tuyến đầu”…
Đặc biệt là những lời ca trong bài hát “Có một nghề lương cao” của Đại úy Vũ Văn Quốc, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1:
“Con xin lỗi Mẹ ơi vì Covid,
Mẹ ra đi con vẫn ở tuyến đầu
Nén nhang này con khóc Mẹ trên chốt,
Ngày bình yên con sẽ về ôm Mẹ”….
Những lời ca, vần thơ thấm vào trái tim và trí óc của mỗi người để khi nghe vừa xúc động, vừa đau xót, đầy nể phục. Vậy để chúng ta hình dung được phần nào những hy sinh thầm lặng của những người lính biên phòng - những người tuyến đầu trong cuộc chiến chống giặc dịch. Trên biên giới tỉnh Bình Phước, trong những ngày tháng đó, chúng ta không thể nào quên được những đêm mưa giông, bão gió hất đổ cả lều bạt, anh em trong chốt vội vã dùng tấm áo mưa duy nhất để che chắn cho gạo, mì và mắm muối, để rồi cả đêm phải chịu cái lạnh buốt của biên cương, bởi chăn mền, quần áo đều đã ướt hết. Chúng ta cũng không thể nào quên được hình ảnh một đồng chí ở Đồn Biên phòng Lộc Thành nén nỗi đau, lập bàn thờ vọng ở chốt để thắp nén nhang cho người cha quá cố ở quê nhà. Và còn rất nhiều đồng chí phải hoãn cưới đến 2, 3 lần để chống dịch. Những hình ảnh, khoảnh khắc đó đã được phóng viên của đơn vị ghi lại để đăng, phát trên các báo đài trung ương và địa phương, dù chưa thể lột tả hết nhưng cũng phần nào diễn tả được cái khắc nghiệt, sự hy sinh của người lính trong cuộc chiến chống dịch.
Những hình ảnh đó, cũng đã phần nào khắc họa được những dấu chân không mỏi của cán bộ, chiến sỹ biên phòng trên những nẻo đường biên giới; tình cảm quân - dân thủy chung; tình đồng chí, đồng đội gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; sự kiên trì, quyết tâm trong vận động người dân, trong phát triển kinh tế được Nhân dân yêu mến, trân trọng, cảm phục. Và đây sẽ là nguồn cảm hứng và là những tư liệu quý giúp các văn nghệ sĩ có cái nhìn toàn diện, thông tin chuẩn xác và cảm xúc chân thật, hứa hẹn sẽ viết nên những tác phẩm văn học nghệ thuật, âm nhạc, mỹ thuật…
Muốn có những tác phẩm hay, phản ánh chân thực, đi vào lòng người thì điều đầu tiên các văn, nghệ sĩ phải có sự thâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Muốn làm được như vậy trước hết mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ…. phải có sức khỏe tốt, có lập trường, tư tưởng và đạo đức tốt. Đặc biệt là phải có sự thấu hiểu và cảm thông. Vì tính đặc thù của đơn vị quân đội nên để tổ chức được những trại sáng tác có chất lượng, chúng ta phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quân đội và các văn, nghệ sỹ. Bộ đội biên phòng tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ đi thâm nhập thực tế tại các đồn Biên phòng nhằm sưu tầm và tìm hiểu thông tin liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới của cán bộ, chiến sỹ. Thời gian gần đây, đơn vị đã đón tiếp 02 đoàn văn, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh đến để tổ chức trại sáng tác. Ngoài ra còn có các đoàn của điện ảnh Quân đội, Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long… đến liên hệ để lấy bối cảnh về hoạt động, công tác, đời sống sinh hoạt của cán bộ chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới tổ chức ghi hình, sản xuất phim truyền hình, phim điện ảnh, phim truyện….. Sắp tới đây, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tiếp tục đón tiếp đoàn sáng tác của Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn có 25 người gồm đạo diễn, biên kịch, nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ….. Qua những lần tổ chức trại sáng tác như vậy cũng đã có nhiều tác phẩm Văn học nghệ thuật hay, thấm đẫm tình quân - dân. Trong đó hình ảnh người lính quân hàm xanh được khắc họa một cách đậm nét, tiêu biểu như ca khúc Hành khúc chiến sĩ Biên phòng Bình Phước, Khúc hát người lính biên phòng Bình Phước….
Nơi địa đầu là nguồn cảm hứng sáng tác đối với các nghệ sĩ. Nó gắn giữa Tổ quốc với hình ảnh người lính cầm súng gác cho bình yên miền biên thùy, với mối tình của họ vừa lãng mạn vừa bình dị những cũng không kém phần cảm động.
Và chúng mình yêu nhau, bắt đầu tự độ ấy
Em đi vào xưởng máy, khi trời còn hơi sương
Và anh lại ra đi, vui như ngày hội
Mùa xuân biên giới,súng anh gác trời xa.
Thời nào cũng vậy, những tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài người chiến sỹ Biên phòng luôn có sức mạnh to lớn, không chỉ cổ vũ tinh thần cho người lính quân hàm xanh luôn cống hiến, sẵn sàng giữ chắc tay súng bảo vệ tổ quốc mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cống hiến hy sinh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Những sáng tác nghệ thuật về người lính nơi biên giới dễ dàng chạm đến trái tim công chúng, góp phần làm sống dậy âm hưởng hào hùng và tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.