Câu chuyện về 50 năm giữ gìn thi hài Bác Hồ

Thứ ba - 03/09/2019 04:50 7.966 0
Kể từ khi Bác qua đời đến nay đã có 6 lần thi hài của Người được di chuyển để đến những điểm bí mật an toàn trong những năm chống Mỹ ác liệt, đợi một ngày đất nước thống nhất.
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Ảnh tư liệu
Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Ảnh tư liệu
Những thông tin thú vị và cảm động này đã được Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ trong Hội nghị tổng kết 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) do Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 29-8, tại Hà Nội.
Theo lời kể của Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau sinh nhật lần thứ 77 vào năm 1967, sức khỏe của Bác đã có dấu hiệu giảm sút. Vì thế, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng lúc bấy giờ là đồng chí Lê Duẩn đã chủ trì phiên họp bất thường của Bộ Chính trị, bàn về hai vấn đề hết sức quan trọng. Thứ nhất là tiếp tục bằng mọi cách giữ gìn sức khỏe cho Bác. Thứ hai là không thể tránh quy luật của cuộc sống, Bộ Chính trị quyết định chuẩn bị nhiệm vụ tổ chức lễ Quốc tang và giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời.

Sau cuộc họp, Bộ Chính trị nhất trí giao Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm nhiệm nhiệm vụ chọn ngay một số cán bộ y tế giỏi gửi sang Liên Xô học tập về khoa học giữ gìn thi hài.

Ngay sau đó, Ban Tổ chức Trung ương đã quyết định triệu tập 3 người: Thiếu tá - bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, Chủ nhiệm khoa giải phẫu bệnh lý Quân y viện 108; bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Chủ nhiệm khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều, Chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Việt - Xô, sang Liên Xô học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. Bác sĩ Nguyễn Gia Quyền được chỉ định làm tổ trưởng.
Sau 7 tháng miệt mài học tập, các bác sĩ đã nắm vững những kiến thức chuyên môn, ngày 7-4-1968 khóa học kết thúc, 3 bác sĩ trở về nước.

Tới tháng 6-1968, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Tổ chức Trung ương quyết định thành lập Tổ y tế đặc biệt thuộc biên chế của Quân y viện 108 và điều động các bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, Lê Điều vào quân đội tham gia Tổ y tế đặc biệt.

Cùng lúc với việc thành lập Tổ y tế đặc biệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo khẩn trương xây dựng một công trình bí mật mang mật danh 75A ở ngay sau nhà tang lễ Quân y viện 108 để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình giao cho Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện với mật danh 75B.

9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu), Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Theo đúng kế hoạch, thi hài Bác được chuyển về Quân y viện 108. Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét đặc trưng trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời.

Sau lễ truy điệu được cử hành vào ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa về công trình 75A chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài.

Khi đó, ta cũng quyết định xây dựng thêm một công trình khác như 75A nhưng ở xa Hà Nội, bí mật, yên tĩnh, đi lại thuận tiện để khi cần sẽ di chuyển thi hài Bác tới đó giữ gìn bảo đảm tuyệt đối an toàn. Và K9 (Ba Vì, Hà Nội) là nơi được lựa chọn. Ngày 15-12-1969, công trình K9 hoàn thành và đổi tên thành K84 để giữ bí mật.

Tới 23 giờ ngày 23-12-1969, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84, mở đầu cho 6 hành trình thi hài Bác Hồ được di chuyển qua các địa điểm bí mật đặc biệt để được an toàn qua bom đạn, thiên tai, đợi ngày đón đồng bào miền Nam ra thăm Người.

Những chuyến xe đặc biệt
Trong 6 năm kể từ khi Người qua đời năm 1969 đến 1975, thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển tổng cộng 6 lần do nhiều nguyên nhân, điều kiện khác nhau, mà mỗi chuyến di chuyển ấy xứng đáng được gọi là kỳ tích của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ của Đoàn 69 và các chuyên gia Liên Xô.
zil
Chiếc xe ZIL 157 biển số 470-189 lớn và khỏe, có 3 cầu, được cải tiến nhiều chi tiết
để trở thành xe phục vụ công tác di chuyển thi hài Bác
Chuyến đi thứ nhất, vào đêm 23-12-1969. Khi ấy, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84. Sau hơn 4 giờ hành quân, thi hài Bác đã đến K84 đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Chuyến đi thứ hai, rạng sáng 21-11-1970, trước cuộc tập kích bất ngờ của lính Mỹ bằng đường không vào một trại giam ở thị xã Sơn Tây, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội để đảm bảo an toàn. Đêm 3-12, đoàn xe rời căn cứ K84 và về đến công trình 75A vào 3 giờ sáng 4-12.

- Chuyến đi thứ ba, vào mùa thu năm 1971. Khi ấy miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn dữ dội, Hà Nội có nguy cơ ngập lụt nên đã có quyết định di chuyển thi hài Bác từ công trình 75A lên K84. Chuyến đi này diễn ra vào ban ngày, sau 6 giờ (sớm hơn thời gian mà trước đây đoàn chuyên gia Liên Xô yêu cầu) hành quân, thi hài của Bác được đưa đến địa điểm an toàn tuyệt đối.

Chuyến đi thứ tư, tháng 3-1972, Mỹ tiến hành leo thang đánh phá trở lại miền Bắc. Vì K84 nằm trên đường bay của không quân Mỹ nên Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác từ K84 đến địa điểm mới H21. 21 giờ ngày 11-7-1972, đoàn xe chở thi hài Bác rời K84 và đến H21 lúc 0 giờ 15 phút ngày 12-7, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối.

Chuyến đi thứ năm, đó là nửa năm sau chuyến đi thứ tư, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đưa thi hài Bác về K84.

- Chuyến đi thứ sáu, chuyến đi cuối cùng được thực hiện khi Lăng Bác hoàn thành. Ngày 26-5-1975, Đoàn 69 nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt để đón thi hài Bác về Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18-7, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát, đưa thi hài Bác về tới Quảng trường Ba Đình. Những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước lúc bấy giờ đã chờ sẵn đón Bác vào Lăng - ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử.

Nguồn tin: Tổng hợp internet

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây