Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các các tổ chức chính trị- xã hội rà soát các đối tượng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra, kịp thời tiến hành bình xét cho vay để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng, mục đích và định mức theo quy định của Ngân hàng CSXH quy định. Các đối tượng được Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh ưu tiên cho vay từ các nguồn vốn: hộ nghèo, hộ cận nghèo, vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và vốn nước sạch vệ sinh môi trường. Trong đó phần lớn các nguồn vốn vay phục vụ cho nhu cầu sản xuất trồng trọt, kinh doanh, chăn nuôi phù hợp với điều kiện tại mỗi xã, thị trấn trong huyện.
Theo đó, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh đạt 42 tỷ 590 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh tiếp tục hỗ trợ giúp người dân các xã, thị trấn toàn huyện nắm bắt nguồn vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất. Bà Phan Thị Tầm - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh cho biết: “Tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện đạt 351 tỷ 500 triệu đồng cho 12.666 hộ vay, tăng 12 tỷ 686 triệu đồng so với đầu năm, chủ yếu thực hiện cho vay trong tháng 5 và tháng 6 năm 2020. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh tiếp tục bám sát chỉ đạo từ cấp trên, căn cứ nguồn vốn phân bổ và sẵn sàng nguồn vốn cho vay đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Từ đó góp sức cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống Nhân dân, tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới”.
Sự sâu sát, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp của Ngân hàng CSXH huyện Lộc Ninh đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trong huyện, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của người dân trong lúc thiếu vốn. Từ đó đã phát huy hiệu quả thiết thực, giúp người dân tự chủ, định hướng khôi phục, duy trì, mở rộng hoặc xây dựng mới các mô hình chuyển đổi phù hợp theo đặc thù, tiềm năng, thế mạnh của các xã, thị trấn trong toàn huyện.