Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023): Tưởng nhớ vị cha già của dân tộc

Thứ năm - 18/05/2023 23:32 1.238 0
Vào dịp chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), cùng với cả nước, mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại bồi hồi tưởng nhớ đến chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vị cha già của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh (Lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên Nguyễn Tất Thành, Hoạt động cách mạng lấy tên Nguyễn Ái Quốc…) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra ở thời điểm đất nước chịu cảnh thuộc địa, chứng kiến sự thất bại trên con đường giải phóng dân tộc của các vị yêu nước tiền bối và cảnh đời nô lệ của người dân mất nước, dưới ách thực dân Pháp tàn bạo. Ngày 05/6/1911 người thanh niên ưu tú của dân tộc Việt Nam - với tên gọi là Văn Ba đã rời Bến cảng Nhà Rồng quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Từ năm 1911 đến năm 1920, Nguyễn Tất Thành đi qua một số nước châu Phi, châu Mỹ, Anh, Pháp... Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Từ năm 1921 đến năm 1930 Nguyễn Ái Quốc tham gia nhiều hoạt động: thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, dự Đại hội lần thứ I và lần thứ II của Đảng Cộng sản Pháp, sinh hoạt trong Câu lạc bộ Phô-bua, làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Người cùng khổ... Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 6/1925, Người thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Từ ngày 03/2 đến ngày 07/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Vào dịp chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), cùng với cả nước, mỗi người dân Việt Nam chúng ta lại bồi hồi tưởng nhớ đến chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu vị cha già của dân tộc
 
Ngày 28/01/1941, sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tại Pắc Bó, Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Từ năm 1945 đến 1954, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đối phó với thù trong, giặc ngoài, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”; tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ năm 1954 đến năm 1969. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng.  Nhưng đế quốc Mỹ đã lợi dụng cơ hội, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài nước ta. Cả dân tộc ta lại bước vào cuộc chiến đấu chống xâm lược mới. Tháng 10 /1956, tại Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội của Nhân dân Việt Nam. Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung: Một là, trung với nước, hiếu với dân (đây là điều chủ chốt của đạo đức cách mạng). Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng.

Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh bao gồm:  Phong cách tư duy, Phong cách làm việc, Phong cách lãnh đạo, Phong cách diễn đạt, Phong cách ứng xử, Phong cách sinh hoạt…

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự phát triển bùng nổ của Internet, mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc, trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh thời đại, Đảng bộ tỉnh Bình Phước sau hai năm triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục được nâng lên rõ rệt, trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, từ đó giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, đảm bảo an ninh quốc phòng, nhất là công tác hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thích ứng an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hằng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hướng về cơ sở như: Tổ chức “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; trao quà cho các hộ khó khăn; khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết, công trình giao thông; tổ chức “Ngày hội hiến máu nhân đạo tình nguyện”; các hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, qua đó, nhân dân tiếp tục thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
 
Huyện ủy Hớn Quản biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2022-2023 nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023)

Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã biên soạn và in ấn 03 tài liệu tuyên truyền Chỉ thị 05 năm 2022, 2023, cấp phát 10.000 cuốn đến các chi, đảng bộ cơ sở để sinh hoạt, học tập. Biên soạn và phát hành 3.500 cuốn sách “Những tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2022” viết về 10 tập thể, 18 cá nhân điển hình. Phát động và xét chọn Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, với 06 giải A, 08 giải B, 13 giải C, 20 giải khuyến khích. Thường xuyên định hướng nội dung tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các fanpage “Tự hào Bình Phước”, “Tuyên giáo Bình Phước”, nhóm “Bình Phước xin chào” của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh và 600 trang, nhóm cộng đồng trong tỉnh, trong 02 năm đã đăng tải 183.634 tin bài, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình xây dựng chuyên mục “Cuộc sống tươi đẹp”, “Hoa giữa đời thường” với hơn 1.000 tin, bài trên 04 loại hình báo chí. Bên cạnh đó, đã biên tập, xuất bản cuốn sách nói “Học và làm theo Bác từ những điều giản dị” phục vụ công tác tuyên truyền.

Việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được quan tâm thực hiện. Hàng năm, mỗi tổ chức đảng, chi bộ phấn đấu xây dựng được 01 mô hình tiêu biểu và 02 điển hình  trong học tập và làm theo Bác, để lan tỏa, nhân rộng. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 2.082 mô hình học tập và làm theo Bác từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở được nhân rộng, lan tỏa
 
Huyện ủy Lộc Ninh tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị và khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác

Trong năm 2022, tỉnh Bình Phước vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 01 tập thể, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 01 tập thể và 02 cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác. Cấp tỉnh đã trao bằng khen cho 77 điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác, cấp huyện tuyên dương, khen thưởng cho 1.128 điển hình, cấp xã tuyên dương, khen thưởng cho 2.789 điển hình.

Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bình Phước tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau trong triển khai thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW và các nghị quyết, chỉ thị liên quan, gắn với thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là sự gương mẫu của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị để lan tỏa ý nghĩa, giá trị cao đẹp của việc học tập và làm theo Bác, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu.

Thứ tư, tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, phấn đấu mỗi huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các chi, đảng bộ cơ sở có ít nhất 01 mô hình tiêu biểu và 01 điển hình của cấp mình. Quan tâm nghiên cứu, xây dựng các hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên đề hàng quý gắn với học tập, làm theo Bác hiệu quả, làm cơ sở cho các chi, đảng bộ cơ sở tham khảo, học tập.  Đưa việc học tập và làm theo Bác trở thành công việc thường xuyên của chi bộ, cơ quan, đơn vị; tạo nên ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, đảng viên.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU, ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, phát hiện từ sớm, kịp thời ngăn chặn vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất.

Tác giả bài viết: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay39,535
  • Tháng hiện tại567,309
  • Tổng lượt truy cập22,572,963
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây