Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cán bộ, đảng viên và đơn vị hiện nay

Thứ tư - 05/07/2023 17:45 24.987 0
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tiết kiệm là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, “gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu không tiêu”. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực. Theo Người, tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, tiết kiệm là chi tiêu, sử dụng có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, giảm bớt hao phí trong sử dụng tiền của, thời gian, công sức, nhưng vẫn đạt được mục tiêu xác định”.
Đi đôi với thực hành tiết kiệm là chống lãng phí và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, đó là :“Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”. Người nhiều lần nhấn mạnh: Lãng phí không phải chỉ là tiêu tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của Nhân dân, mà nguy hiểm hơn là tham ô, lãng phí và quan liêu là thứ “giặc nội xâm” nguy hiểm, làm tha hóa, suy thoái đạo đức cách mạng, phá hoại tinh thần trong sạch, ý chí vượt khó của cán bộ, đảng viên, là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia và sự tồn vong của chế độ”.

 Tiết kiệm, chống lãng phí đã được Hiến pháp năm 2013 quy định : “Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh “những kết quả cụ thể, rõ rệt” khi đề cập đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chỉ rõ : “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí... chưa có chuyển biến rõ rệt... phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế... Tham nhũng, lãng phí... vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp... ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.



Hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từ thực trạng hiện nay cho thấy: việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn là vấn đề phức tạp, chi phối đến mọi mặt của đời sống xã hội; tiết kiệm, chống lãng phí chưa thực sự trở thành ý thức tự giác của mỗi người; việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào đều phải sử dụng tài chính, vật tư, phương tiện công. Những thứ đó đều là tài sản của Nhà nước; xuất phát từ mồ hôi, công sức, sự đóng góp của Nhân dân. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng vật tư, tài chính từ những việc nhỏ nhất trong công việc hằng ngày. Bởi lẽ, họ là người được tín nhiệm giao trọng trách quản lý, sử dụng một khối lượng lớn tài sản của Nhà nước; điều hành mọi hoạt động theo một kế hoạch đã được xác định; đồng thời, chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp mình, cấp ủy cấp trên, người đứng đầu cấp trên về kết quả thực hiện nhiệm vụ và quản lý tình hình mọi mặt của các cơ quan, đơn vị.

Để khắc phục tình trạng đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn để điều chỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng nêu rõ về vấn đề này.



Gần đây, để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, càng cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về tiết kiệm, chống lãng phí.

Từ những chỉ đạo trên, điều đó chứng tỏ, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; coi đây là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quản lý, sử dụng tài sản công và chống gây thất thoát, lãng phí. Để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cán bộ, đảng viên và đơn vị hiện nay đi vào thực chất, mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị cần thực hiện một số giải pháp sau:

Đối với cán bộ, đảng viên

Việc làm gương, đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đội ngũ cán bộ, đảng viên được thể hiện trên hai trọng trách: bản thân và ở cương vị chức trách, nhiệm vụ được giao. 

- Với bản thân, người cán bộ, đảng viên trên mọi cương vị công tác phải luôn coi việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói riêng là một việc làm thường xuyên.

- Tích cực rèn luyện đạo đức: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và kể cả công sức của mình làm ra; xây dựng ý thức chi tiêu có mục đích, có kế hoạch, không hoang phí.

- Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.

- Mỗi đảng viên, quần chúng phải là trung tâm tự ý thức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vì để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp có thành công hay không là do ý thức của đội ngũ đảng viên, quần chúng. Muốn vậy, mỗi đảng viên, mỗi quần chúng phải không ngừng tự trau dồi đạo đức, phải tận tâm, tâm huyết, thấu hiểu tất cả các chủ trương, chính sách của cơ quan, đơn vị để đồng hành cùng cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Khi một đảng viên, quần chúng đã xem cơ quan là ngôi nhà thứ hai thì khi đó họ mới có ý thức tiết kiệm cho cơ quan, bởi tiết kiệm, chống lãng phí cho cơ quan cũng chính là tiết kiệm, chống lãng phí cho chính bản thân họ.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản, tiết kiệm giấy tờ, sử dụng tái chế các loại giấy, tăng cường khai thác, bảo quản, vệ sinh tài sản, cơ sở vật chất để tăng thời gian sử dụng và tạo nguồn thu.

- Xây dựng các quy chế, quy định đảm bảo định mức vừa phải, phù hợp với thực tế; Xây dựng dự toán, Kế hoạch sử dụng kinh phí hàng năm phải trên nguyên tắc cắt giảm tối đa các hoạt động không cần thiết, mang tính hình thức, phô trương, kết hợp giải quyết nhiều công việc trong cùng một hội nghị, sự kiện để tiết kiệm thời gian, ngân sách.

- Có cơ chế kiểm tra, giám sát qua đó đề nghị khen thưởng, phê bình, xử lý vi phạm đối với các trường hợp “nói không đi đôi với làm”. Qua đó mới có thể tạo động lực cho người thực hiện, triển khai tốt công việc và mang tính răn đe đối với người chưa thực hiện nghiêm,…

- Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu chấp hành các quy định của Trung ương và địa phương về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống của dân tộc; tránh xa hoa, lãng phí, phiền nhiễu, bài trừ hủ tục mê tín, dị đoan; chống lợi dụng việc cưới, việc tang và mọi hình thức hiếu, hỷ khác để vụ lợi.

- Vận động gia đình, người thân tích cực tham gia lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững kỷ cương, phép nước; đẩy mạnh đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, ích kỷ, dùng tài sản chung phục vụ cho lợi ích cá nhân, người thân, gia đình và vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với lãnh đạo cơ quan, đơn vị

- Với chức trách, nhiệm vụ của mình, người lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị trong phạm vi công việc được giao phải cùng tập thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, quy định của các cấp đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Người lãnh đạo, chủ trì phải chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện các quy chế, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, góp phần ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh trong lĩnh vực quản lý; áp dụng nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý tài chính có hiệu quả, nhằm hạn chế những kẽ hở, thất thoát, như: mở rộng cơ chế khoán, giao quyền tự chủ tài chính đối với các cơ quan, đơn vị và khuyến khích thực hiện khoán một số khoản chi đến người sử dụng trực tiếp. Chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được cụ thể hóa trên các mặt hoạt động và có nhiều hình thức tiết kiệm thiết thực; tránh mọi biểu hiện chung chung, hình thức, chồng chéo, không có người chịu trách nhiệm như việc mua sắm, trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc, nhà công vụ phải đúng đối tượng, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc.

- Cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị phải bố trí, phân công người quản lý, sử dụng và lập sổ theo dõi các loại phương tiện, thiết bị làm việc; thành lập hội đồng mua sắm; định kỳ trong từng thời gian phải làm tốt công tác kiểm kê, bảo quản, bảo dưỡng, nắm thực lực các trang bị, thiết bị trong phạm vi quản lý.

- Việc tổ chức các cuộc họp, lễ kỷ niệm, các hoạt động đón Tết Nguyên đán trong cơ quan, đơn vị phụ trách phải bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hướng về cơ sở, tránh phô trương hình thức, tốn kém. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực công tác; khi phát hiện có hành vi gây lãng phí trong cơ quan, đơn vị, phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; thực hiện công khai việc xử lý trước tập thể.

- Bản thân cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện lời nói thống nhất với việc làm; thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt tình hình và chịu trách nhiệm về tình trạng lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật, làm gương về việc chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; sử dụng tiền, tài sản được giao đúng mục đích, định mức, tiêu chuẩn đã xác định; tuyệt đối không được phép cho mình là “ngoại lệ”, dù đó là những chi tiết nhỏ nhất trong hoạt động hằng ngày.

Phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần kết hợp chặt chẽ giữa sự phấn đấu, rèn luyện của bản thân từng cán bộ, đảng viên với sự giúp đỡ, kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan và dân chủ tại cơ sở, theo phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật và sự đoàn kết, thống nhất cao, trên dưới một lòng, chung sức xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh./.

Tác giả bài viết: Anh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm92
  • Hôm nay28,522
  • Tháng hiện tại378,463
  • Tổng lượt truy cập26,059,619
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây