Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Thứ tư - 04/08/2021 05:38 2.124 0
Thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 08-CT/TW) và Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW (sau đây viết tắt là Kết luận số 11-KL/TW), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 20/02/2012 về thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 22/3/2017 về thực hiện Kết luận số 11-KL/TW để chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tế, đưa các tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương.
Cán bộ đoàn kiểm tra tiến hành test kiểm tra nhanh độ sạch bát đĩa tại bếp ăn tập thể trường học.
Cán bộ đoàn kiểm tra tiến hành test kiểm tra nhanh độ sạch bát đĩa tại bếp ăn tập thể trường học.
Công tác tuyên truyền được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, các quy định về ATTP của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Người dân, doanh nghiệp từng bước tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, sản xuất, chế biến sản phẩm,… góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao cuộc sống cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, mặt trận tổ quốc, hội, đoàn thể các cấp, các địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên phối hợp kiểm tra liên ngành về ATTP, đặc biệt trong các dịp lễ, tết,… công tác kiểm tra được thực hiện theo phân cấp, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra theo ngành, lĩnh vực theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao trong công tác quản lý nhà nước về ATTP với nhiều kết quả nổi bật trong công tác thông tin, tuyên truyền; việc kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng; xây dựng các mô hình ATTP tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm góp phần nâng cao cuộc sống cho Nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP; vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác các trường hợp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP;…  


Trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW và Kết luận số 11-KL/TW đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, nổi bật như: Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 26/10/2016 về việc xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn” giai đoạn 2016 - 2020, qua đó đã triển khai xây dựng 04 mô hình gồm: 01 chuỗi thịt heo; 01 chuỗi thịt gà; 01 chuỗi rau và 01 chuỗi quả. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với các mô hình: “Sản xuất rau an toàn”, “Nói không với chất cấm trong chăn nuôi”; “Trồng rau sạch”, “Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn”, “nhóm sản xuất rau sạch”, phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn sản xuất rau, quả thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap,…Hội Nông dân tỉnh với các mô hình: Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Điểm truy cập Internet; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất an toàn cho nông dân.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, hạn chế sau: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát công tác ATTP; có lúc, có nơi chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và người tiêu dùng trong sản xuất, kinh doanh về thực phẩm an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về ATTP của một số ngành còn chồng chéo, việc xử lý và đấu tranh với các trường hợp vi phạm chưa quyết liệt. Một số tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được những tiềm ẩn, nguy cơ của thực phẩm bẩn. Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn còn xảy ra ở một số khu công nghiệp. Công tác xã hội hóa về hoạt động dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý chất lượng, ATTP còn có những hạn chế nhất định.

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 08-CT/TW trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của ATTP; tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp điều kiện, tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các quy định về ATTP phù hợp với từng nhóm đối tượng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đảm bảo chất lượng ATTP. Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia đầu tư trong chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ thanh tra, kiểm tra, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP và công khai các cơ sở vi phạm để người dân biết.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các mô hình điểm về ATTP. Quản lý chặt chẽ ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và các loại hình dịch vụ ăn uống. Tăng cường đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kinh phí hoạt động đối với công tác ATTP. 

Tác giả bài viết: Duy Khiêm - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây