Trong những năm qua, để đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo QCDC các cấp huyện Bù Đốp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, kết luận, nghị định của Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC tỉnh và đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Công văn số 527-CV/HU ngày 06/4/2018 về việc thực hiện Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy về phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, qua đó đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Huyện ủy trong việc thực hiện những nội dung, hình thức công khai để Nhân dân biết, góp ý và giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, đồng thời phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, phản biện, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Huyện ủy ban hành Công văn số 692-CV/HU ngày 07/3/2019 về việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”, ban hành Kế hoạch số 48-KH/HU ngày 23/5/2022 về tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân của đồng chí Bí thư Huyện ủy.
Cán bộ dân vận thôn, ấp đối thoại trực tiếp tại Hội nghị đối thoại do Huyện ủy tổ chức (ảnh: Báo Bình Phước online)
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và ban hành các kế hoạch hàng năm về việc thực hiện QCDC ở cơ sở; qua đó đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; triển khai thực hiện có hiệu quả lộ trình chuyển đổi số, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ, nhất là giải quyết thủ tục hành chính công trực tuyến cho Nhân dân. Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử của các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, trên hệ thống dịch vụ công của huyện và tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị.
Bí thư huyện ủy Bù Đốp Dương Thanh Huân trao quà cho hộ nghèo (ảnh: Báo Bình Phước online)
Việc thực hiện cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” tiếp tục được duy trì nề nếp, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính của người dân và các tổ chức. Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã đơn giản hoá quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đi lại cho các tổ chức và cá nhân khi đến cơ quan nhà nước giao dịch và giải quyết công việc. Những tháng đầu năm 2023, Trung tâm phục vụ Hành chính công của huyện đã tiếp nhận 7.278 hồ sơ, trong đó có 1.566 hồ sơ trực tuyến cấp độ 3, 4; bộ phận “một cửa” ở các xã, thị trấn đã tiếp nhận và giải quyết 1.487 hồ sơ, trong đó có 1.165 hồ sơ trực tuyến cấp độ 3, 4. Trong đó 100% hồ sơ trực tuyến đều được giải quyết đúng và trước hạn.
Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Tăng cường phối hợp thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong thực hiện công tác cán bộ, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng…
Qua kiểm tra, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đều nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời; thực hiện các quy định về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp, quy tắc ứng xử, nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp và những việc không được làm theo quy định của pháp luật, không phát hiện có trường hợp vi phạm quy định kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các ngành chức năng đã tiến hành 03 cuộc thanh tra hành chính tại 06 đơn vị, đã kết thúc và ban hành kết luận thanh tra 02 cuộc (04 đơn vị); yêu cầu đơn vị được thanh tra nộp số tiền 37.614.891 đồng vào ngân sách do chi sai quy định; kiểm điểm rút kinh nghiệm 08 cá nhân. Thực hiện kết luận thanh tra đã thu hồi tổng số tiền 86.742.488 đồng vào ngân sách nhà nước. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 03/3/2023 về kiểm tra thực hiện cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2023, đồng thời tổ chức kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính ở 09 cơ quan, đơn vị, qua kiểm tra chưa phát hiện sai phạm.
Huyện ủy Bù Đốp tổ chức triển khai các văn bản mới của Trung ương, Tỉnh ủy (ảnh: Báo Bình Phước online)
Việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH11 được các xã, thị trấn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các xã, thị trấn niêm yết công khai tại trụ sở các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến Nhân dân do chính quyền cấp xã trực tiếp thực hiện; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ theo chương trình, dự án đối với cấp xã… Công khai trên hệ thống truyền thanh của xã, qua họp dân các chủ trương, kế hoạch vay vốn cho Nhân dân để phát triển sản xuất; kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, trợ cấp xã hội, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, cấp thẻ bảo hiểm y tế; các khoản huy động Nhân dân đóng góp... Tổ chức cho Nhân dân tham gia góp ý vào các chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã quản lý; việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn; chủ trương, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; phương án làm đường giao thông nông thôn…
Công tác tiếp dân, nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác cải cách thủ tục hành chính và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho Nhân dân được chính quyền cấp xã quan tâm thực hiện theo quy định. Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng các xã, thị trấn được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả trên một số lĩnh vực như thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, việc quy hoạch, giải tỏa, đền bù, việc triển khai xây dựng các dự án, các công trình phúc lợi xã hội, đường giao thông nông thôn...Các tổ hòa giải ở cơ sở đã tổ chức hòa giải được 36 vụ (04 vụ dân sự; 21 vụ đất đai, 11 vụ tranh chấp khác); đã giải quyết xong 27 vụ (hòa giải thành 14 vụ, hòa giải không thành 03 vụ, chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết 02 vụ, đã rút đơn 08 vụ); còn 05 vụ đang giải quyết. Các vụ việc hòa giải chủ yếu liên quan đến các vấn đề đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình và một số mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân ở khu dân cư.
Việc triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm thực hiện. Các dự án, công trình, vốn đầu tư của Nhà nước và các khoản đóng góp của Nhân dân được công khai, minh bạch, do đó không để xảy ra khiếu nại trong Nhân dân. Đến nay, xã Phước Thiện đã hoàn thành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xã Thiện Hưng đạt 14/20 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thị trấn Thanh Bình được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; ấp 8 (xã Thanh Hòa) và ấp Tân Hưng (xã Phước Thiện) được tập trung các nguồn lực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.
Theo Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 8%, đạt 92,77% chỉ tiêu nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 là 65,05 triệu đồng, đạt 95,66% chỉ tiêu nghị quyết. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; mô hình nông nghiệp an toàn được triển khai, thực hiện. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội đều có bước phát triển, đến nay toàn huyện có 12 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp được quan tâm thông qua đại hội công nhân viên chức và hội nghị người lao động hằng năm. Thông qua hội nghị, lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp và ban chấp hành công đoàn đã phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người lao động, công khai minh bạch các chế độ, chính sách, tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, việc trích nộp BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; tuyên truyền, động viên công nhân, người lao động chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; quan tâm nắm bắt và giải quyết những kiến nghị, đề xuất, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Với việc ngày càng chú trọng, quan tâm xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo QCDC huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật, coi trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ mối liên hệ với nhân dân, đồng thời góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
`