Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta; là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.
Nói về dân, ông cha ta đã đúc kết “sức dân là sức nước; đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Kinh nghiệm trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, ông cha ta đã luôn đánh giá cao và rất coi trọng vai trò của dân, luôn chăm lo đến quyền và lợi ích của nhân dân “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Bác Hồ đã kế thừa, phát triển những tư tưởng tiến bộ của ông cha ta về nhân dân, đưa ra những quan điểm về nhân dân rất độc đáo, Bác nói: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người còn dạy: “nước phải lấy dân làm gốc…gốc có vững thì cây mới bền…dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên”. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa quyết định cho sự thành bại của cách mạng và ngay sau khi giành được chính quyền.
Ngày 15/10/1949 Bác Hồ đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật. Bác đã chỉ rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, giải thích dân vận là gì, ai có trách nhiệm làm dân vận và phương pháp dân vận phải như thế nào. Có thể nói, tư tưởng dân vận của Bác Hồ là một hệ thống những quan điểm, phương thức dân vận được thấm nhuần trong cả cuộc đời và trong các tác phẩm của Người. Thương yêu nhân dân, thương yêu con người, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân là quan điểm bao trùm trong toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, cơ sở để hình thành tư tưởng về công tác dân vận của Người. Người luôn ý thức dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, dân là gốc của nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và phải thể hiện tinh thần phụ trách trước nhân dân: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải…bỏ đi hoặc sửa lại…”. Với lòng nhân ái bao la, Hồ Chí Minh thâm nhập vào quần chúng bằng phong cách thật sự tự nhiên của người cán bộ gần dân, Người thường nhấn mạnh: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Bác Hồ với công tác dân vận (Ảnh: nguồn internet)
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã xác định công tác dân vận có vị trí rất to lớn và quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà; thực hiện công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản, quan trọng, gắn liền với sự trưởng thành về sự lãnh đạo nhân dân làm cách mạng của Đảng. Đảng ta đã hết sức coi trọng công tác dân vận. Điều đó đã được thể hiện một cách nhất quán trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Thông qua công tác dân vận, Đảng đã phát huy cao độ sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên động lực to lớn đưa sự nghiệp cách mạng không ngừng phát triển. Các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc đều thể hiện rõ rệt quan điểm và tư tưởng đó; nó có ý nghĩa quan trọng đẩy mạnh sự nghiệp vận động quần chúng nhân dân trong thời kì đổi mới.
Đối với Bình Phước trải 25 năm tái lập tỉnh (1997-2022), đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện. Thu ngân sách của tỉnh tăng gần 76 lần so với năm đầu tái lập, những năm đầu tái lập tỉnh vô vàn khó khăn, thu ngân sách của tỉnh rất thấp, chỉ đạt 172 tỷ đồng. Sau 25 năm tái lập tỉnh, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh ước đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, tăng gần 76 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 28 lần, đời sống Nhân dân được cải thiện: Trong năm đầu mới tái lập, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh chỉ đạt 2,6 triệu đồng/người/năm. Đến nay, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tích cực đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đặc biệt là người dân ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 73 triệu đồng/người/năm, tăng gần 28 lần so với năm đầu tái lập tỉnh. Qua 25 năm tái lập, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81,66%, trong đó có 07 khu đã lấp đầy 100%. Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và Nhân dân. Những kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của công tác dân vận, của đội ngũ những người làm công tác vận động quần chúng của Đảng từ tỉnh đến cơ sở.
Những năm gần đây, phát huy truyền thống và những kết quả đạt được, hệ thống dân vận các cấp trong tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Triển khai quán triệt, học tập và cụ thể hóa thực hiện các nghị quyết và văn bản kết luận, chỉ đạo của Trung ương về công tác vận động quần chúng. Chủ động tham mưu cho cấp uỷ triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ đề mà Trung ương phát động, như “Năm dân vận chính quyền”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo; tập trung giải quyết được những vấn đề phức tạp, điểm nóng, kịp thời dự báo những tình huống có thể xảy ra để tham mưu lãnh, chỉ đạo có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng liên quan đến công tác dân vận của Đảng, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác hội quần chúng. Kết quả đã tạo những chuyển biến rõ nét trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác dân vận trong tình hình mới. Trong công tác dân vận tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã được cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo và cả hệ thống chính trị vào cuộc, đã góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra; trình độ dân trí ngày càng cao; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng; các phương tiện thông tin trực tiếp tác động ngày càng đa dạng, đa chiều; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt... Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận; đổi mới cách thức tuyên truyền về công tác dân vận, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Đổi mới công tác dân vận theo hướng thiết thực, sáng tạo, hướng đến mục tiêu đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tập trung làm tốt công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp, trọng tâm là: Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân. Nâng cao chất lượng, khắc phục tính hình thức trong hoạt động tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, sâu sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Ba là, phát huy vai trò, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng theo hướng có trọng tâm, thực chất, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tích cực tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận.
Năm là, tăng cường phối hợp, thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành (Quy chế số 19-QC/TU ngày 10/11/2021); phối hợp tốt giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vận.