Đồng Phú: Phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong Nhân dân.

Thứ ba - 13/02/2024 10:13 427 0
Thời gian qua, hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Đồng Phú đã chú trọng thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, qua đó để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; phát huy sức mạnh toàn dân trong thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường theo Pháp lệnh số 34/2007/PL- UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (số 10/2022/QH15) gắn với nhiệm vụ chính trị ở địa phương ngày càng đi vào chiều sâu. Các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc niêm yết công khai nội dung, chủ trương, chính sách cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân.

Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục quán triệt tinh thần Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở và ban hành văn bản chỉ đạo số 1424-CV/HU ngày 26/5/2023 về việc triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

UBND huyện ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 22/02/2023 về việc thực QCDC cơ sở trên địa bàn huyện năm 2023, Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 22/02/2023 về thực hiện công tác dân vận chính quyền năm 2023, Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 26/6/2023 về việc triển khai thi hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Đồng Phú; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện QCDC ở cơ sở.

Ban Dân vận huyện ủy đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra nhiều “kênh” để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến của nhân dân về những vấn đề quan trọng, ban hành Quy định về trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở khi được MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội cùng cấp và nhân dân tham gia góp ý xây dựng theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI). Đồng thời tham mưu tổ chức thực hiện tốt Quy định về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đối thoại với nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 của Tỉnh ủy.
 
Các cá nhân hiến đất làm đường kết nối giữa huyện huyện Đồng Phú và huyện Phú Riềng nhận giấy khen của UBND 2 huyện (Ảnh: Báo Bình Phước online)

Bên cạnh đó, Huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện QCDC cơ sở gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.  Người đứng đầu cấp ủy từ huyện đến cơ sở tăng cường tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo tinh thần Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị. Theo đó, trong năm 2023 Bí thư Huyện ủy tiếp dân (định kỳ/đột xuất): 10 cuộc, thời gian tiếp dân: 10 buổi, tổng số lượt người được tiếp: 44 lượt. Bí thư Đảng ủy xã, thị trấn: Số cuộc tiếp dân (định kỳ/đột xuất): 335 cuộc, thời gian tiếp dân: 335 buổi, tổng số lượt người được tiếp: 58 lượt người…Nhiều phản ánh, kiến nghị của nhân dân được giải quyết ngay tại trụ sở tiếp công dân. 

Cấp ủy các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội triển khai thực hiện tốt Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị -xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” và Đề án “Phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền” được ban hành kèm theo Quyết định 845-QĐ/TU ngày 13/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Huyện Đồng Phú tổ chức chương trình “Tết Quân - Dân”, mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi. (Ảnh: Báo Bình Phước online)
 
Song song đó, chính quyền từ huyện đến cơ sở tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân làm chủ xã hội và phát huy tốt vai trò quản lý của nhà nước ngay tại địa phương, cơ sở. Hàng năm, Ban Dân vận và UBND huyện ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận, triển khai đến Đảng ủy, UBND xã, thị trấn và đơn vị trực thuộc. Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. UBND xã, thị trấn đã thực hiện tốt việc công khai cho nhân dân biết những chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp với nhân dân và địa phương. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về các chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng cho địa phương; giúp dân thực hiện việc giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình xây dựng do nhân dân đóng góp và các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.

Hệ thống dân vận phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi để cử tri tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn đại biểu HĐND các cấp trong các kỳ họp. Từ đó, nhiều kiến nghị, chất vấn của nhân dân với HĐND các cấp được tiếp thu, giải quyết kịp thời. Hằng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội đều tập hợp được những tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, hội viên và nhân dân để báo cáo với Đảng, với Quốc hội, HĐND... góp phần nâng cao hiệu quả việc giám sát, kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng được tăng cường. Trong đó, các cơ quan đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để công khai những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực chuyên môn, kế hoạch công tác hằng tháng, quý, năm và kinh phí được ngân sách nhà nước cấp phục vụ hoạt động của cơ quan, đơn vị; quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị...

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện QCDC được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện chú trọng và thực hiện thường xuyên. Trong năm, HĐND huyện xây dựng kế hoạch giám sát tình hình thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị đối với UBND huyện, UBND xã Tân Lợi, Tân Tiến và Thuận Lợi. UBND huyện ban hành Quyết định số 1770/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về lao động, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy, nổ tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện năm 2023. Vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội không ngừng được phát huy. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì tổ chức được 04 cuộc giám sát trong đó các nội dung đều liên quan đến việc thực hành dân chủ ở cơ sở.

Nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, đã khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Năm 2023, huyện Đồng Phú đã tổ chức thực hiện cơ bản đạt và vượt 16/18 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tổng thu ngân sách năm 2023 ước thực hiện 557 tỷ đồng, đạt 100% dự toán điều chỉnh UBND tỉnh giao, bằng 90,72% dự toán điều chỉnh HĐND huyện giao. Trong năm, huyện đã cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ước đạt 119,5% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước cả năm đạt 100% kế hoạch. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được quan tâm cải thiện, thành lập mới 426 hộ kinh doanh cá thể với số vốn đăng ký trên 296 tỷ đồng.

Thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đồng Phú đã làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, cùng với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các xã trên địa bàn huyện đã tích cực vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, tự nguyện đóng góp, tham gia như hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tài lực, vật lực, công sức…cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại địa phương, thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu. 10/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 03/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 23 ấp được UBND huyện công nhận đạt khu dân cư kiểu mẫu.

Để tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện Đồng Phú đã đề ra một số giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/0218 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội” và “Quy định về MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri; đôn đốc các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính công. Ban hành cơ chế và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các đoàn thể chính trị và nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, đảm bảo nguồn lực cho MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội cùng cấp thực hiện giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Năm là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tổ tự quản...; nâng cao năng lực, trình độ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tập hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Phát huy quyền làm chủ, tạo đồng thuận trong nhân dân, huyện Đồng Phú tiếp tục thực hiện QCDC ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Lắng nghe các ý kiến phản ánh của nhân dân; làm tốt công tác đối thoại và giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh ngay tại địa phương. 
                                                                                          

Tác giả bài viết: Lê Toàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây